Ngày 6/8, “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021” được Bộ Công Thương tổ chức tại Hà Nội, là một trong những hoạt động kết nối cung cầu quan trọng, hỗ trợ tiêu thụ các loại nông sản của các tỉnh thành phía Nam đến vụ thu hoạch.
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.
Giữa bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, cùng với sự kiện này, hoạt động kết nối cung cầu đã có nhiều điểm đột phá, sáng tạo hơn, linh hoạt hơn.
Kết nối vào hệ thống siêu thị
Tỉnh Long An đang vào vụ thu hoạch thanh long với sản lượng dự kiến khoảng 15.000 tấn. Tuy nhiên, địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội chống dịch nên việc thu hoạch, vận chuyển và hoạt động của các kho thu mua gặp rất nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đã kết nối mặt hàng thanh long vào hệ thống siêu thị trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Tới nay, các siêu thị Bách Hóa Xanh trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh đang tiêu thụ thanh long Long An với giá chỉ 16.000 đồng/kg. Sắp tới sẽ có thêm hệ thống AEON Việt Nam và MM Mega Market cũng tham gia hỗ trợ tiêu thụ thanh long cho các tỉnh phía Nam.
Bách Hóa Xanh đang bán thanh long với giá 16.000 đồng/kg
Trái thanh long của tỉnh Long An là một trong những loại trái cây đến vụ thu hoạch đang được Bộ
Công Thương tích cực kết nối cung cầu để tìm giải pháp tiêu thụ. Theo Tổ Công tác đặc biệt về đảm bảo nguồn cung hàng hóa và hỗ trợ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phía Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp - Bộ Công Thương (Tổ công tác đặc biệt), tình hình tiêu thụ nông sản của các tỉnh phía Nam năm nay gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân bởi hàng loạt các địa phương phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội, nhiều chợ đầu mối, chợ dân sinh đóng cửa nên khó khăn cho khâu lưu thông hàng hóa đến người tiêu dùng. Tình hình dịch bệnh cũng khiến người dân thắt chặt chi tiêu, ưu tiên dành tiền cho các mặt hàng thực sự thiết yếu. Đặc biệt, hàng loạt khách sạn, nhà hàng đóng cửa; các bếp ăn tập thể ở các khu công nghiệp cũng dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do các nhà máy giảm tối đa lực lượng công nhân viên, người lao động hoạt động trực tiếp khiến nhu cầu tiêu thụ nông sản, trái cây giảm xuống.
Trong bối cảnh đó, cần sáng tạo hơn, linh hoạt hơn trong triển khai các giải pháp kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản đến kỳ thu hoạch, đảm bảo tiêu thụ hết hàng hóa cho bà con.
Với phương châm đó, Tổ công tác đặc biệt đang phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại chuẩn bị các nội dung phục vụ “Hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ, xúc tiến xuất khẩu nông sản, thủy sản khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên 2021” tổ chức vào ngày 6/8/2021. Tại đây, dự kiến sẽ có nhiều biên bản hỗ trợ tiêu thụ nông sản được ký kết.
Ngoài ra, trước tình trạng nhiều loại nông sản ở các tỉnh thành phía Nam đến vụ thu hoạch nhưng tiêu thụ gặp khó khăn, Tổ công tác đặc biệt phối hợp với Sở Công Thương các địa phương đã kết nối nguồn hàng với nhiều hệ thống siêu thị. Đến nay, thông qua thông tin kết nối của Tổ công tác đặc biệt, một số hệ thống phân phối (Saigon Co.op, Mega Market, Bách Hóa Xanh, Postmart…) đã tham gia ký kết và tiêu thụ nông sản cho một số tỉnh Đông Tây Nam Bộ.
Cụ thể, hệ thống siêu thị MM Mega Market đã lựa chọn được 04 nhà cung cấp đáp ứng yêu cầu của siêu thị, bao gồm: HTX Mỹ Thạnh, HTX Rau An Toàn Mười Hai (Long An); HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tân Phước, HTX Nông 3 nghiệp Sạch Hưng Thịnh Phát (Tiền Giang) để thu mua một số mặt hàng nông sản tại địa phương đang vào mùa thu hoạch. Ngoài ra, hệ thống Bách Hoá Xanh đã hỗ trợ tiêu thụ được 132 tấn bắp, 120 tấn nhãn, 50 tấn thanh long. Hệ thống Vn Post trong 1 tuần qua hỗ trợ 13 tỉnh miền Tây tiêu thụ 30 tấn nhãn. Ngoài ra, kết nối hệ thống Bưu điện các tỉnh, Công ty Vina T&T, Big C và Bách Hóa Xanh đã tăng cường thu mua, hỗ trợ tiêu thụ thanh long tại tỉnh Long An.
Mở rộng cơ hội xuất khẩu
Cùng với tiêu thụ trong nước, ngày 5/8/2021, Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương) đã phối hợp với Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ và Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Pakistan tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến thanh long Việt Nam với các đối tác Ấn Độ và Pakistan 2021.
Ông Phạm Sanh Châu, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ cho biết, thị trường Ấn Độ rất giàu tiềm năng cho hàng trái cây của Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng. Ấn Độ có 1,4 tỷ dân, trong đó 60% người dân nước này ăn chay, món ăn của họ chủ yếu là rau quả. Trung bình khoảng mỗi người dân Ấn Độ sử dụng 3kg trái cây trong 1 tháng, theo đó cả nước sẽ tiêu thụ khoảng 48 triệu tấn/năm. Trong khi đó, Ấn Độ là thị trường dễ tính. Đây là điều kiện thuận lợi để trái cây của Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng có thể đẩy mạnh xuất khẩu sang nước này.
Năm 2019-2020 kim ngạch xuất khẩu thanh long của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 9,86 triệu USD, tăng gần 100% so với năm trước đó. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dich Covid 19 nên năm 2020 – 2021, kim ngạch xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Ấn Độ giảm khoảng 25% so với năm trước.
Đối với thị trường Pakistan, ông Nguyễn Tiên Phong, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Pakistan cho biết, với dân số hơn 200 triệu dân nhưng Pakistan chưa nhập khẩu trái cây nên thị trường này có rất nhiều tiềm năng cho hàng trái cây Việt Nam nói chung và thanh long nói riêng. Đáng chú ý, Pakistan là thị trường dễ tính, hướng vào những mặt hàng ngon, rẻ, phù hợp với sản phẩm của Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp Việt nên tìm hướng để khai thác thị trường này.
Để thúc đẩy xuất khẩu thanh long, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh, Cục Xúc tiến thương mại luôn nỗ lực đồng hành với các địa phương, doanh nghiệp sản xuất, cung ứng các sản phẩm thanh long Việt Nam trong hoạt động xúc tiến phát triển thị trường, tìm kiếm và kết nối khách hàng nhập khẩu triển vọng, đặc biệt là các khách hàng từ Ấn Độ và Pakistan. Bên cạnh sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, phí các doanh nghiệp, địa phương cũng cần chủ động trong việc quảng bá, đưa thanh long sang Ấn Độ và Pakistan.
Huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp
Song song với các giải pháp kết nối cung cầu truyền thống như đã triển khai nhiều năm nay, điểm mới của chương trình kết nối cung cầu năm nay là huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp, các “mạnh thường quân” trong tiêu thụ nông sản.
Đưa nông sản vào các chuyến xe bán hàng lưu động
Xác định thị trường xuất khẩu chưa hết khó, các kênh phân phối hiện đại cũng chỉ tiêu thụ được phần nào lượng nông sản đến vụ thu hoạch, nhiều hình thức tiêu thụ nông sản khác đã được Bộ Công Thương phối hợp cùng doanh nghiệp triển khai. Trong đó, có mô hình “Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương” đang được Tổng Công ty Cổ phần bưu chính Viettel (Viettel Post) chuẩn bị sẵn sàng triển khai tại TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, đơn vị tổ chức chương trình “Trạm hạnh phúc - Chạm yêu thương” kêu gọi các nhà tài trợ, nhà hảo tâm ngay ủng hộ hiện vật, quà tặng thiết yếu cho người yếu thế tại TP. Hồ Chí Minh bằng cách mang trực tiếp tới các điểm bưu cục của Viettel Post trên toàn quốc. Trong đó, có hàng hóa nông sản của các địa phương đang đến kỳ thu hoạch. Tính tới 17h ngày 3/8, Viettel Post đã nhận được hơn 15 tấn hàng từ các nhà hảo tâm, nhà tài trợ.
Trong thời gian từ ngày 5/8 đến ngày 19/8, các “Trạm hạnh phúc” sẽ được tổ chức tại 16 bưu cục của Viettel Post trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Người dân TP. Hồ Chí Minh đang gặp khó khăn có thể đến các “Trạm hạnh phúc” đặt tại 16 bưu cục của Viettel Post để tự chọn một gói quà thực phẩm và nhu yếu phẩm thiết yếu.
Bên cạnh đó, Tổ công tác tiền phương của Bộ Công Thương đã phối hợp với Viettel Post cung cấp thông tin đầu mối liên hệ của Viettel Post ở các địa phương cho Sở Công Thương các tỉnh thành phía Nam để cùng phối hợp triển khai Chương trình “Đơn hàng thiết yếu 0 đồng”. Hiện nay, để thực hiện chương trình, các địa phương sẽ huy động nguồn hàng tài trợ, Viettel Post nhận hàng tài trợ bằng các hàng hóa thiết yếu, chịu trách nhiệm thu gom, vận chuyển miễn phí và phối hợp với lực lượng vũ trang Quân khu 7 giao hàng đến các điểm cách ly, phong tỏa để hỗ trợ cho người dân đang gặp khó khăn. Thời gian tới, nguồn hàng tài trợ này có thêm các sản phẩm nông sản đến kỳ thu hoạch để vừa hỗ trợ tiêu thụ cho nông dân, vừa đa dạng hàng hóa hỗ trợ cho bà con gặp khó khăn.
Ngoài ra, đưa nông sản vào các điểm bán hàng cố định, lưu động của các doanh nghiệp phân phối và các doanh nghiệp bưu điện như Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (Vietnam Post) và Viettel Post. Thống kê của Vietnam Post và Viettel Post cho thấy, sau 3 tuần giãn cách xã hội hai doanh nghiệp này đã tiêu thụ hơn 1.900 tấn hàng hóa nhu yếu phẩm, góp phần mang lại cuộc sống bình yên cho hàng trăm ngàn hộ gia đình an tâm chống dịch tại nhà. Do đó, sự vào cuộc của các đơn vị này trong việc tiêu thụ hàng nông sản được kỳ vọng sẽ giúp tiêu thụ mạnh hơn các loại nông sản đến kỳ thu hoạch cho bà con.
Hiện nay, Tổ công tác đặc biệt đã liên hệ với một số hệ thống phân phối (Aeon, Vinmart, Viettel Post) đề nghị tăng cường các hình thức cung cấp hàng thiết yếu theo combo tại các điểm bán hàng. Trong đó bổ sung thêm vào gói combo mặt hàng nông sản của các địa phương đến vụ thu hoạch. Từ đó, tăng lượng tiêu thụ các loại nông sản này.
Cùng với sự nỗ lực tối đa của Bộ Công Thương và các doanh nghiệp, Tổ công tác đặc biệt cũng kiến nghị, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tiếp tục tìm các giải pháp đẩy mạnh chế biến nông sản nhằm kéo dài hơn thời gian tiêu thụ, từ đó giúp đa dạng hơn các sản phẩm từ nông sản, kéo dài thời gian tiêu thụ, giúp hoạt động tiêu thụ được thực hiện tốt hơn.
Bảo Ngọc
Báo Công thương
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.