Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp vừa chỉ đạo các sở, ban, ngành thực hiện tốt các kế hoạch của Bộ Thông tin-Truyền thông về hỗ trợ đưa nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số....
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, vừa có chỉ đạo các sở và ban, ngành thực hiện tốt các kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông về: “Hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy kinh tế số nông nghiệp nông thôn” và “Bảo đảm cung cấp hàng hóa thiết yếu của các doanh nghiệp bưu chính lớn tại tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội” trên địa bàn tỉnh.
Trong chỉ đạo nêu rõ Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Giao thông Vận tải, các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp bưu chính trên địa bàn tỉnh để thực hiện.
Đến nay tỉnh Đồng Tháp đã giúp đưa lên sàn thương mại điện tử được 128 sản phẩm đặc sản các loại; trong đó có 33 sản phẩm đạt OCOP, các sản phẩm làm ra từ gạo, hạt sen, khoai lang tím, trái cây từ xoài, nhãn, chuối; làm khô, làm nước mắm từ cá lóc, cá linh… điển hình như gạo huyết rồng Năm Đấu, Bún gạo lứt huyết rồng Bích Chi, hạt sen khô, mắm cá linh Dì Mười, muối sấy Ngọc Yến, trà hoa sen Đồng Tháp, bánh xoài Ngọc Phụng, mật ong rừng Tràm Chim, nón lá sen.
Bà Võ Phương Thủy, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp, cho biết cùng với những kênh phân phối trực tiếp, sở chủ động liên hệ và kết nối được với những kênh kinh doanh trực tuyến (online) nhằm đa dạng hóa đầu ra cho sản phẩm.
Vừa qua 2 đơn vị đã thu mua nhãn cho nông dân ở huyện Châu Thành là trang thương mại điện tử Voso của Tập đoàn Viettel và Postmart của Tổng Công ty Bưu Điện Việt Nam (VNPost). Hai đơn vị này cũng tiếp tục lấy hàng cho nông dân trồng nhãn xuyên suốt đến hết vụ thu hoạch. Đơn vị sẽ tiếp tục kết nối với các kênh phân phối này để hỗ trợ đầu ra cho các mặt hàng chanh, bắp, trứng vịt...
Sở cũng chủ động kết nối với Sở Công Thương thành phố Hồ Chí Minh để tạo đầu ra cho nông sản Đồng Tháp đến với hơn 1.000 điểm bán hàng lưu động trên địa bàn thành phố. Hiện nay trong tỉnh Đồng Tháp có một số mặt hàng nông sản đã được kết nối với các đơn vị thu mua, nhà phân phối là sàn thương mại điện tử Postmart, Big C, MM Megamarket, Bách hóa Xanh để tiêu thụ.
Tỉnh Đồng Tháp tìm hướng đi cho nông sản bằng việc hỗ trợ kết nối tiêu thụ nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất trên địa bàn tỉnh với các hệ thống phân phối, doanh nghiệp, chợ, điểm bán nông sản trong và ngoài nước với giải pháp tiêu thụ trong nước là kênh tiêu thụ tại chợ đầu mối các tỉnh miền Tây, thành phố Hồ Chí Minh; các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như Co.opmart, Big C, VinMart, Bách hóa Xanh, MM Mega Market Vietnam, Tứ Sơn, SATRA... và các chuỗi cửa hàng nông sản sạch; các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu, cung ứng xuất khẩu trong và ngoài tỉnh; các chợ truyền thống, tiểu thương, xe lưu động, điểm bán nhỏ, lẻ tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Cùng đó, tỉnh chú trọng đưa các sản phẩm nông sản lên sàn thương mại điện tử Tiki, Sendo, Shopee, Voso, Postmart,... và kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số.
Giải pháp đối với thị trường xuất khẩu, là nhờ sự hỗ trợ của Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong xúc tiến thương mại các mặt hàng thế mạnh của Đồng Tháp tại các thị trường Trung Quốc, châu Âu, Mỹ, Philippines, Australia, Mexico.
Để kinh doanh hiệu quả cùng Tiki, nền tảng thương mại điện tử, vừa qua ông Nguyễn Chí Hùng, Trưởng phòng Đào tạo Tiki chia sẻ một số phương thức bán hàng cùng Tiki, thủ tục đăng ký, 4 bước của quy trình bán hàng hiệu quả lên sản giao dịch để người tiêu dùng là “thấy, thích, tin, yêu,” các gói hỗ trợ đặc biệt dành cho doanh nghiệp Đồng Tháp trong việc tạo, thiết kế gian hàng, đăng sản phẩm, tư vấn kinh doanh trực tiếp, chạy quảng cáo, livestream.
Siêu thị Co.opmart Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đảm bảo rau, củ quả tươi xanh phục vụ khách hàng. (Ảnh : Nguyễn Văn Trí/TTXVN)
Hiện nay tỉnh Đồng Tháp có nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong tỉnh đã tự kết nối đưa sản phẩm trên sàn thương mại điện tử của Tiki. Điển hình như sản phẩm của Công ty Hương Sen Việt, Cơ sở mật ong Hoa Thiên Phú, Khô cá Tiến Phương, sản phẩm của Công ty thực phẩm Ngọc Phụng, gạo Ban Mai.
Đại diện Công ty Tinh dầu Hương Đồng Tháp đã chia sẻ về quá trình kinh doanh bằng phương thức bán hàng online, đã được 80% doanh số bán ra từ online trong thời kỳ đại dịch COVID-19; Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương đã bán hơn 400 cây xoài bằng phương thức bán hàng online; đại diện sàn thương mại điện tử Tiki, đại diện IM Group, Ibox, Nielsen đã chia sẻ về một số hoạt động kết nối, hỗ trợ Đồng Tháp trong phát triển thương mại điện tử trong thời gian tới.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Tháp, cho rằng thương mại điện tử đã lan tỏa khắp thế giới và tại Đồng Tháp cũng đang có sự chuyển biến khá rõ nét. Mặc dù tỉnh chưa có Đề án chính thức về thương mại điện tử, chuyển đổi số nhưng trong từng lĩnh vực đã có sự tập trung và quan tâm cho vấn đề này, điển hình như ở các Hội quán nông dân đã được trang bị điện thoại thông minh, kết nối hội nghị trực tuyến.
Để tạo sức bật mới cần thiết phải đẩy mạnh thương mại điện tử, nhất là các doanh nghiệp phải áp dụng thương mại điện tử, nếu không có sự chuyển đổi doanh nghiệp sẽ đi sau và gặp khó trong quảng bá, sản xuất, kinh doanh trong thời đại công nghệ số hiện nay.
Đồng Tháp đang hướng tới xây dựng trang thương mại điện tử, nhằm tập trung hàng hóa, kết nối sản phẩm với các trang, sàn giao dịch thương mại điện tử có tiếng trên thương trường./.
Nguyễn Văn Trí
TTXVN/Vietnam+
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.