Nhập khẩu thịt lợn tăng mạnh giữa lúc giá heo hơi trong nước tụt dốc, có đáng lo?

Giá lợn hơi trên thị trường trong nước tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nguồn cung theo đó cũng dồi dào hơn nhưng việc nhập khẩu thịt lợn trái lại vẫn tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay.

Thịt lợn ngoại ồ ạt vào Việt Nam

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, trong 6 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 379.640 tấn thịt và các sản phẩm từ thịt với giá trị kim ngạch đạt 750,7 triệu USD, tăng gần 24% về lượng và tăng 53,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.

Trong đó, riêng nhóm hàng thịt lợn lạnh và đông lạnh chiếm 80.850 tấn với tổng trị giá 187,13 triệu USD, tăng 154,8% về lượng và tăng gần 145% về trị giá. 

6 tháng đầu năm, thịt lợn nhập khẩu vào Việt Nam tăng 154,8% về lượng và tăng gần 145% về trị giá. (Ảnh: Như Huỳnh).

Thịt lợn nhập khẩu tăng mạnh trong khi giá lợn hơi trong nước tiếp tục xu hướng giảm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến những người chăn nuôi đã khó lại càng khó hơn.

Theo số liệu chúng tôi có được, hiện giá lợn sống trên toàn quốc dao động trong khoảng 51.000 – 55.000 đồng/kg, giảm 2.000- 3.000 đồng/kg so với cuối tháng 7/2021, là mức thấp nhất kể từ giữa năm 2019.
 
Đáng chú ý, đại diện Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai (thủ phủ chăn nuôi lợn) cho biết giá lợn hơi của hai tuần trước nằm trong khoảng 53.000 - 56.000 đồng/kg, tuy nhiên, đến cuối tuần vừa rồi khi TP HCM có lệnh tăng cường kiểm soát dịch "ai ở đâu ở yên đó" khiến người chăn nuôi hoảng loạn, lo sợ khó tiêu thụ nên giá lợn tụt xuống dưới 50.000 đồng/kg.

Có thể nhận thấy, giãn cách xã hội đã làm thay đổi thêm một phần thói quen của người tiêu dùng từ dùng "thịt nóng" sang "thịt đông lạnh" cùng với sự chênh lệch giá cả (thịt nhập khẩu thường có giá rẻ hơn) đã khiến nhu cầu tiêu dùng thịt nhập khẩu tăng.

Thông tin từ Bộ Công Thương cũng cho thấy Trung Quốc đang đối mặt với với khủng hoảng thừa thịt lợn kể từ đầu năm 2021 đến nay do việc giết mổ ồ ạt và trọng lượng lợn xuất chuồng tăng gấp 2-3 lần so với bình thường.

Trong 6 tháng đầu năm, sản lượng thịt lợn của Trung Quốc đã tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020, lên khoảng 27 triệu tấn.

Tổng đàn lợn cuối tháng 6 tăng 30% so với cùng kỳ năm 2020, đạt 439 triệu con. Sản lượng giết mổ lợn đạt 337,42 triệu con, tăng 34,4%.

Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), cho biết: "Giai đoạn đầu năm giá lợn trong nước còn cao, trên 70.000 đồng/kg trong khi Trung Quốc, quốc gia chiếm thị phần lớn của thịt lợn, đã cơ bản tái đàn tốt dẫn đến nguồn cung trên thị trường thế giới dồi dào, giá giảm nên việc nhập khẩu của doanh nghiệp có sự gia tăng vì họ vẫn thấy có hiệu quả khi nhập về để làm sản phẩm chế biến và các sản phẩm khác".

Giá thịt lợn nhập khẩu trung bình 6 tháng đầu năm khoảng 2.314 USD/tấn (khoảng 53.000 đồng/kg), giảm gần 4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Heo nhập khẩu có phải là nguyên nhân khiến người chăn nuôi lỗ? 

Đánh giá về ảnh hưởng của việc tăng nhập khẩu thịt lợn tới nguồn cung trong nước, ông Trọng cho biết thực tế lượng thịt lợn nhập khẩu chỉ chiếm khoảng 4 - 4,8% tổng lượng thịt cả nước nên không đáng lo ngại. 

Đặc biệt, trong bối cảnh sức tiêu thụ thịt lợn đang giảm mạnh khi các địa phương thực hiện giãn cách xã hội khiến các khách sạn, nhà hàng, bếp ăn tập thể gần như đóng cửa dẫn đến nguồn cung dư thừa.

"Cùng với việc đứt gãy các chuỗi cung ứng do vận chuyển khó khăn, giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục tăng khiến cho lượng lợn ứ đọng tại các chuồng trại rất nhiều. Do đó, khả năng thời gian tới sẽ nhập khẩu rất ít", ông Trọng nhận định.

Đại diện Cục chăn nuôi dự đoán do nhu cầu giảm trong khi nguồn cung không thiếu nhiều nên thịt lợn trong nước vẫn đáp ứng được nguồn thịt tươi cho người tiêu dùng vào cuối năm.

Còn theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, Việt Nam đã ra thông báo tạm ngừng nhập khẩu lợn sống để giết mổ làm thực phẩm từ Thái Lan khi phát hiện lô lợn sống bị nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi. 

Do đó, việc nhập khẩu hiện nay chủ yếu là các loại thịt đông lạnh và các doanh nghiệp nhập khẩu thịt lợn đông lạnh về chủ yếu theo hợp đồng đã ký.

"Thời gian gần đây khi tình hình tiêu thụ thịt tươi trong nước gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến việc cung ứng cho thị trường TP HCM không đủ nên các siêu thị đã có dịp tiêu thụ hết các thịt đông lạnh nhập khẩu để phục vụ nhu cầu của người dân", ông Đoán cho biết.

Những dữ liệu trên cho thấy tác động của thịt lợn nhập khẩu không phải là quá lớn tới thị trường lợn trong nước. Giá lợn hơi trong nước giảm mạnh chủ yếu do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến nhu cầu giảm, khả năng tiêu thụ kém. Điều này cũng sẽ làm giảm đồng thời cả nhu cầu nhập khẩu thịt lợn trong thời gian tới.

Ông Đoán cho biết giá lợn hơi ở mức rất thấp, dưới 50.000 đồng/kg, trong khi chi phí sản xuất tăng cao, thức ăn chăn nuôi đã tăng giá liên tục 9 lần khiến người chăn nuôi lỗ gần 2 triệu đồng mỗi con.

Tình trạng này gây nhiều khó khăn cho người chăn nuôi, khi chưa xuất chuồng được thì chưa thể vào đàn mới. Còn với các công ty sản xuất được con giống thì cũng hoà vốn cho đến lỗ. 

Lượng lợn ứ đọng, không thể tái đàn sẽ khiến nguồn cung thịt lợn phải đối mặt với giai đoạn khó khăn.
 
"Thực tế, giai đoạn này số lượng nông dân có thể tái đàn là rất ít vì giá thức ăn cao, chăn nuôi không có lời, còn các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp lớn của Việt Nam thì vẫn có số lượng lớn lợn để tài đàn", ông nói.

Bên cạnh đó, vấn đề vốn mua thức ăn để duy trì đàn lợn còn ùn ứ trong chuồng và hoạt động tái đàn sắp tới là một khó khăn lớn của người chăn nuôi. Ông kiến nghị các ngân hàng cần tạo điều kiện cho người chăn nuôi vay vốn vừa để duy trì sản xuất vừa phát triển đàn lợn và, chủ động cho nguồn cung cho thời gian sắp tới.

Ngoài ra, nghịch lý giá lợn hơi thấp kỷ lục trong khi giá bán lẻ tại các chợ lại ở mức cao chót vót cũng cho thấy vấn đề trong khâu trung gian tiêu thụ. 

"Trước đây, khi thịt lợn hơi 70.000 đồng/kg thì thịt đùi giá 130.000 đồng/kg nhưng đến khi giá lợn hơi giảm còn 55.000 đồng/kg thì thịt đùi lại có giá 150.000 - 180.000 đồng/kg. Dịch bệnh có thể khiến người bán phát sinh nhiều chi phí nhưng theo tôi là không nhiều đến vậy", chị Nhi (quận Gò Vấp, TP HCM) chia sẻ.

Dịch bệnh khiến chi phí đi lại xét nghiệm tăng, khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa cùng với việc người dân đi chợ  bị hạn chế, nên giá chưa thể xuống ngay được. Do đó, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi, nhất là việc lưu thông hàng hóa, giảm các chi phí trung gian đẩy giá bán lẻ lên cao.

Như Huỳnh
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết 

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn