Mặc dù chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng tốc độ tăng GDP ngành nông nghiệp từ đầu năm 2021 đến nay vẫn đạt 3,82%. Bên cạnh đó, năng suất nhiều sản phẩm chủ lực tăng mạnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng của cả nước.
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.
Thông tin công bố ngày 4/8 của Bộ NN&PTNT cho biết, sản xuất nông lâm thủy sản đã đảm bảo lương thực - thực phẩm phục vụ tốt cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn về tiêu thụ nông sản, đặc biệt đối với sản phẩm vào chính vụ thu hoạch tại những địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản chủ lực có xu hướng chậm do sức mua tiêu dùng hạn chế. Đặc biệt, giá trái cây, củ quả tại một số tỉnh như Cần Thơ (dâu, mãng cầu, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt), Khánh Hòa (xoài), Vĩnh Long (khoai lang), Long An (thanh long, chanh)… giảm mạnh do xuất khẩu gặp khó khăn, tác động và gây áp lực cho tiêu thụ trong nước.
Lưu thông hàng hóa nông sản tại một số địa phương thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 gặp nhiều khó khăn, do việc vận chuyển ra vào vùng dịch phải tuân thủ các biện pháp hạn chế, cách ly, kiểm dịch, kiểm tra. Do đó, ảnh hưởng đến việc thu mua và cung ứng nông sản tới người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, dịch Covid-19 dự kiến còn phức tạp, ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức thực hiện kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản, đặc biệt tại các địa phương phải áp dụng giãn cách xã hội. Việc lưu thông, phân phối, tiêu thụ nông sản và nguyên - vật liệu phục vụ sản xuất gặp nhiều khó khăn.
Đáng lo ngại khi sang tháng 8/2021, nhiều loại nông sản, trái cây đang vào vụ thu hoạch, rất dễ xảy ra nguy cơ dư nguồn hàng nông sản, lương thực ở vùng sản xuất nhưng lại thiếu hụt ở một số địa phương phải áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.
Riêng về rau củ quả, trong tháng 8/2021, ước tính sản lượng ở các tỉnh phía Nam lên tới hơn 1,1 triệu tấn. Trong khi nhu cầu tiêu dùng chỉ 500.000 tấn. Một số loại trái cây có sản lượng lớn như: Xoài 40.000 tấn; chuối 109.000 tấn, sầu riêng 75.000 tấn, cam 40.000 tấn, nhãn 405.000 tấn, khóm (dứa) 30.000 tấn, mít 10.000 tấn…
Để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, trong thời gian tới Bộ NN&PTNT tiếp tục chỉ đạo điều chỉnh kế hoạch sản xuất nông lâm thủy sản phù hợp với điều kiện thời tiết, diễn biến dịch Covid-19 tại từng tỉnh, TP. Mục tiêu là đảm bảo vừa chống dịch, thiên tai hiệu quả vừa đảm bảo cung ứng tốt lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, xuất khẩu. Đẩy mạnh phát triển thị trường, tháo gỡ rào cản, tạo thuận lợi cho tiêu thụ trong nước và xuất khẩu. Tăng cường kết nối, phối hợp với các tập đoàn viễn thông (Viettel Post, VNPT Post), các doanh nghiệp có ứng dụng giao hàng chuyên nghiệp (Grab, GoViet…) đề xuất hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, tăng cường giao dịch điện tử, đưa nông sản tham gia vào các sàn thương mại điện tử để quảng bá, giới thiệu và kết nối tiêu thụ...
Nguồn: Kinh tế đô thị
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.