Theo Bộ Công Thương, giá lúa gạo ngày 19/8 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, tuy nhiên thị trường giao dịch vẫn tiếp tục ảm đạm, riêng lúa OM 18 giảm mạnh 200 đồng/kg.
Thu hoạch lúa Hè Thu. (Nguồn: TTXVN)
Mặc dù đang là thời điểm thu hoạch lúa Hè Thu tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long song dịch COVID-19 phức tạp khiến việc áp dụng "3 tại chỗ" kéo dài dẫn tới công suất hoạt động giảm, lượng gạo tồn kho cao.
Đây là những khó khăn khiến doanh nghiệp ngành lúa gạo đang ở thế khó và chưa thể tiếp tục thu mua lúa cho nông dân.
Với sự vào cuộc của các bộ, ngành cùng những giải pháp linh hoạt, việc tiêu thụ lúa tại khu vực này đã có nhiều cải thiện.
Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng cần chủ động tháo gỡ khó khăn về lưu thông giữa các địa phương trong sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi cung ứng để đường đi của lúa gạo bớt "nhọc nhằn."
Thị trường giao dịch vẫn ảm đảm
Theo Bộ Công Thương, giá lúa gạo ngày 19/8 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long ổn định, tuy nhiên thị trường giao dịch vẫn tiếp tục ảm đạm, riêng lúa OM 18 giảm mạnh 200 đồng/kg.
Đơn cử như tại An Giang, giá lúa OM 18 sau khi tăng hôm qua nay đột ngột giảm 200 đồng, xuống còn 5.500-5.800 đồng/kg.
Các giống lúa khác ổn định gồm: OM 9582 (tươi) 4.800-4.900 đồng/kg; nếp tươi Long An 4.500-4.600 đồng/kg; nếp vỏ (tươi)- 3 tháng rưỡi 4.200-4.450 đồng/kg; IR 50404 giá 4.500-4.700 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 5.700-5.800 đồng/kg; OM 5451giá 5.000-5.200 đồng/kg; OM 6976 giá 5.100-5.300 đồng/kg; Nàng Hoa 9 giá 6.000-6.100 đồng/kg; Lúa Nhật giá 7.500-7.600 đồng/kg; Nàng Nhen khô 11.500-12.000 đồng/kg.
Tại Hậu Giang, lúa tươi OM 5451 từ 5.300-5.500 đồng/kg, giống OM 18 có giá 5.600-5.900 đồng/kg, còn lúa IR 50404 có giá 5.300-5.400 đồng/kg, tùy theo chất lượng lúa và đường vận chuyển.
Với giá gạo xu hướng giảm, hiện gạo IR NL 504 ở mức 7.200-7.300 đồng/kg; gạo TP IR 504 8.100 đồng/kg; cám vàng giảm còn 6.000 đồng/kg; tấm 1 IR 504 còn 6.700-6.900 đồng/kg.
Trong khi đó, giá gạo ở các chợ An Giang hôm nay tiếp tục đi ngang. Nếp ruột 13.000-14.000 đồng/kg; thơm thái hạt dài 16.000-18.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg; nàng Hoa 16.200 đồng/kg; Sóc thường 14.000 đồng/kg, gạo Nhật 24.000 đồng/kg; gạo nàng Nhen 20.000 đồng/kg; Hương lài 17.000 đồng/kg; Jasmine 14.000-15.000 đồng/kg; gạo thường 11.000-11.500 đồng/kg.
Nhận định về khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo thời gian qua, ông Nguyễn Minh Lâm, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Long An cho hay nhiều sản phẩm vào vụ thu hoạch như gạo, thanh long đang gặp khó khăn do địa phương đang áp dụng lệnh giãn cách xã hội, các chợ đầu mối, chợ truyền thống tạm đóng cửa nên ảnh hưởng lớn đến tiêu thụ.
Trong khi đó, nhiều thị trường xuất khẩu kiểm soát chặt kiểm dịch hàng hóa cũng làm gián đoạn hoạt động.
Theo ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Intimex, nếu tính cả số lượng đơn hàng bị hủy từ tháng 7/2021 dồn qua thì tháng 8/2021, Intimex phải xuất theo hợp đồng đã ký gần 120.000 tấn gạo. Tuy nhiên, bên giao hàng cho biết, khả năng vận chuyển hàng đi được tối đa chỉ 30.000-35.000 tấn.
Tương tự, đại diện Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết, doanh nghiệp này đang có lượng hàng lưu kho lên đến 85%, mặc dù Vinafood 1 đã làm việc với địa phương tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua lúa cho bà con nông dân nhưng vẫn gặp nhiều vướng mắc.
Do đó, Vinafood 1 kiến nghị tới Tổ công tác đặc biệt Bộ Công Thương về việc cần ưu tiên giải quyết lưu thông sản phẩm cho các doanh nghiệp đã có hợp đồng nhưng chưa thể xuất khẩu bởi hiện nay mỗi địa phương sẽ có những ưu tiên hoặc nhiệm vụ khác nhau.
Còn những doanh nghiệp chủ động thu mua lúa như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu An Giang (Angimex) lại đang gặp vướng trong vấn đề tài chính. Mặc dù lượng hàng tồn kho vẫn đang quá lớn do chưa thể xuất khẩu nhưng doanh nghiệp này vẫn đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang hỗ trợ để Angimex có thể mua 30.000 tấn lúa cho nông dân.
Tuy nhiên, muốn làm được việc này, Angimex cần được hỗ trợ tăng hạn mức vay và giảm lãi suất ngân hàng.
Cùng với các ý kiến của doanh nghiệp xuất khẩu gạo, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đề xuất Bộ Công Thương làm việc với các hệ thống cảng, các địa phương để tháo gỡ việc ách tắc trong khâu giao nhận hàng hóa, tránh ảnh hưởng tới khả năng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp; tạo chính sách “luồng xanh” trong lưu thông lúa gạo đường thuỷ nội địa theo hai cung đường: cánh đồng về nhà máy, nhà máy đến các cảng logistics.
Ngoài ra, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đề xuất Bộ Công Thương kiến nghị Bộ Y tế ưu tiên tiêm vaccine cho lao động tham gia chuỗi sản xuất và vận chuyển hàng, logistics ngành lúa gạo trên đường thủy, đường bộ; hỗ trợ tăng hạn mức vay, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và giải ngân vốn nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa cho bà con nông dân.
Cùng với đó, Hiệp hội đề xuất địa phương có cơ chế cho lao động của nhà máy sản xuất lúa gạo được di chuyển sau thời điểm người dân không ra đường từ 18 giờ, bởi việc thu mua lúa gạo trong vùng dân cư không về kịp trước 18h còn công nhân nhập lúa đến 22h.
Khơi thông dòng chảy
Ghi nhận những khó khăn và kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội, Tổ Công tác đặc biệt Bộ Công Thương đã kết nối với Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn và Hiệp hội doanh nghiệp logistics Việt Nam (VLA).
Với vấn đề lưu thông hàng hóa tại cảng, đại diện Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn cho biết, hiện nay hoạt động của Tân cảng Cát Lái đã trở lại bình thường, không còn hiện tượng ùn tắc do không giải tỏa đươc lượng hàng tồn.
Do đó, việc đóng gạo vào container đang duy trì tại Tân cảng Hiệp Phước (Nhà Bè), Tân cảng Nhơn Trạch (Đồng Nai). Ngoài ra, bến 125 chuyên bốc dỡ mặt hàng gạo thuộc Tân cảng Cát Lái sẽ sớm bố trí công nhân và thông báo đến khách hàng.
Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam cho biết sẽ thuyết phục các IDC Transimex, Tanamexco, Phước Long, Long Bình đều là những ICD có bến sông, cầu cảng, tiếp nhận được ghe gạo tạm thời để doanh nghiệp đưa hàng đến đóng vào container sau đó di chuyển ra cảng nhằm giảm chi phí cho doanh nghiệp.
Thu hoạch lúa. (Nguồn: TTXVN)
VLA cũng sẽ đối thoại với các hãng tàu nhằm giảm chi phí vận chuyển xuất nhập khẩu và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo trong vấn đề “luồng xanh, luồng đỏ” tại hải quan.
Đại diện Tổ công tác đặc biệt cũng đề xuất, doanh nghiệp gạo cần tham khảo kinh nghiệm của các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp bình ổn thị trường nhằm chủ động trong tháo gỡ khó khăn vướng mắc lưu thông phân phối hàng hoá thiết yếu tại thị trường trong nước.
Ngay sau khi nhận được báo cáo từ Tổ công tác đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tạo thuận lợi tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo, hàng hóa.
Để tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo cho nông dân, Bộ Công Thương đề xuất Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xem xét, chỉ đạo các ngân hàng thương mại có hỗ trợ nhất định về lãi suất cho các doanh nghiệp và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được thế chấp vay vốn bằng chính sản phẩm sẽ thu mua cũng như thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn thu mua thóc, gạo hàng hóa.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản hỏa tốc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao các bộ, ngành, địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu, mở "luồng xanh" cho vận tải đường thủy.
Theo Bộ Công Thương, với đặc thù địa hình kênh rạch chằng chịt, đa phần các nhà máy sản xuất, chế biến lúa gạo cập bờ sông/bờ kênh, thóc, gạo sản xuất ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long được vận chuyển 95% bằng đường thủy. Vì vậy, việc khơi thông dòng chảy phương tiện chuyên chở sẽ góp phần đáng kể giúp các thương nhân xuất khẩu gạo duy trì được chuỗi cung ứng lúa gạo hàng hóa từ đồng ruộng ra đến cảng xuất khẩu.
Trên cơ sở đó, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các bộ ngành, địa phương liên quan sớm xây dựng và báo cáo phương án “luồng xanh” cho vận tải đường thủy, đảm bảo yêu cầu về phòng chống dịch COVID-19, đồng thời giải tỏa được ách tắc hàng hóa hiện nay./.
Uyên Hương
TTXVN/Vietnam+
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.