Làm sao để nông dân, doanh nghiệp có "lối thoát" cho nông sản bị ứ đọng, rớt giá giữa mùa dịch?

Chia sẻ với Thương Trường, ông Lê Đức Viếng, chủ HTX nuôi trồng thủy sản Len cho biết, thời gian qua việc vận chuyển các mặt hàng thuỷ sản đến TP.HCM rất khó khăn vì đều bị ứ đọng tại cửa ngõ, không vào được. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như giá thành sẽ bị giảm đi rất nhiều. 

Thời gian qua, do ảnh hưởng đại dịch Covid-19 nhiều mặt hàng gia cầm, thuỷ sản không thể tiêu thụ được dẫn đến ứ đọng, hư hao và rớt giá thảm hại. Trước tình hình này, hàng loạt doanh nghiệp cầu cứu vì nếu kéo dài thì có nguy cơ sẽ phá sản.

Chia sẻ với Thương Trường, ông Lê Đức Viếng, chủ HTX nuôi trồng thủy sản Len cho biết, thời gian qua việc vận chuyển các mặt hàng thuỷ sản đến TP.HCM rất khó khăn vì đều bị ứ đọng tại cửa ngõ, không vào được. Việc này ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như giá thành sẽ bị giảm đi rất nhiều. Nếu tình trạng này xảy ra kéo dài thì khổ cho bà con nông dân lắm.

Hàng loạt doanh nghiệp mặt hàng nông, thuỷ sản “cầu cứu” vì hàng bị ứ đọng, rớt giá. 

Cũng khó khăn trong khâu vận chuyển, một chủ trang trại gà tại Bình Dương chia sẻ, việc giãn cách xã hội để phòng dịch trên địa bàn tỉnh Bình Dương ngày càng siết chặt việc vận chuyển trong nội thành tỉnh đã khó khăn nhưng đến cửa ngõ TP.HCM thì không thể vào được, hàng triệu con gà không tiêu thụ được. Việc này ảnh hưởng lớn đến tài chính có thể giải thế không hoạt động được nữa nếu tình trạng này kéo dài thêm.

Ngoài ra, so với mặt hàng gia cầm và hải sản thì đối với mặt hàng rau củ khả quan hơn. Tuy nhiên, gần đây, người dân nông dân đứng trước mối lo đến mùa thu hoạch nhưng không có nơi tiêu thụ vì quá trình vận chuyển ùn tắc do các khâu xét nghiệm Covid-19 khá nghiêm ngặt. Cụ thể tại Lâm Đồng, vào thời điểm bùng phát dịch, nhiều nhà vườn rau, củ đã đến lúc thu hoạch nhưng người dân buộc phải nhổ bỏ.

Tuy nhiên, tình hình hàng hóa ứ đọng theo ghi nhận ở một số địa phương đã phần nào được giải quyết. Tại Lâm Đồng, việc tiêu thụ nông sản những ngày gần đây khả quan hơn vì số lượng hàng bán ra tăng và giá thành cũng lên cao hơn so với trước.

Theo chia sẻ của một chủ vườn hoa màu tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng: “Hiện tại rau, củ tại vườn đã đến mùa thu hoạch. Trước đó người dân lo ngại sẽ khó khăn trong việc vận chuyển xuống TP.HCM và phải chịu giá thành cao bởi các chi phí xét nghiệm, tuy nhiên thời gian gần đây khâu vận chuyển đã dễ dàng hơn, giá thành cũng cao hơn bình thường. Hiện tại, một số nhà vườn còn thiếu hàng để tiêu thụ”.

Tại Lâm Đồng, thời điểm hiện nay rau, củ đã đến lúc thu hoạch và được tiêu thụ mạnh với giá thành cao hơn so với bình thường. 

Trước tình hình trên, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, vào ngày 28/7 Tổ công tác 970 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ra mắt trang thông tin đăng ký kết nối cung cầu nông sản và hàng hóa các tỉnh phía Nam. Đến trưa 2/8, trang thông tin https://htx.cooplink.com.vn/ có gần 1000 danh mục đăng ký.

Để tránh ùn ứ, tại cuộc họp ngày 31/7, Tổ công tác 970 cam kết làm đầu mối kết nối giữa người dân và các doanh nghiệp, hệ thống phân phối đẩy mạnh thu mua nông thuỷ sản để giảm ách tắc. Với các doanh nghiệp sản xuất thuỷ sản, Tổ công tác cũng sẽ đề nghị Bộ Y tế hướng dẫn quy trình để khi được hoạt động trở lại, doanh nghiệp sẽ làm tốt hơn công tác phòng chống Covid-19.

Với gia cầm, tổ công tác cho biết đang rất quan tâm với các cơ sở giết mổ và sẽ đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh thành phía Nam rà soát hỗ trợ. Nếu các Sở gặp khó khăn có thể liên hệ tổ công tác để được hướng dẫn.

Cũng trong ngày 31/7, Tổ công tác đã kết nối với 1 doanh nghiệp có liên doanh của Singapore để tiêu thụ 1.000 tấn thủy sản các loại, nhận hàng trong 10 ngày. Tổ đang xử lý bằng cách chia đơn hàng cho nhiều đầu mối ở nhiều tỉnh để hỗ trợ tiêu thụ cho 244 đầu mối cung cấp thủy sản qua tổ.

Phía doanh nghiệp lúc đầu chỉ muốn đàm phán mua 3 nhà cung cấp nhưng sau khi nghe giải thích ý nghĩa của chương trình kết nối Cung cầu nông sản của Tổ công tác 970, doanh nghiệp đồng ý thu mua theo hợp đồng với các đầu mối có đăng kí qua Tổ công tác 970 và có có khả năng cung cấp trên 50 tấn.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các tỉnh phía Nam vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Do đó, việc vận chuyển hàng hóa dù đã có nhiều cải thiện nhưng nhiều điểm vẫn chưa kịp thời "khơi thông". Hy vọng với sự vào cuộc nhanh chóng của chính quyền địa phương cũng như chính sách của nhà nước, tình trạng ùn ứ, rớt giá nông sản sớm được giải quyết, để không chỉ người nông dân sản xuất ra nông sản mà cả doanh nghiệp phân phối cũng như người dân sẽ gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận hàng hóa, phục vụ nhu cầu tốt thiểu đời sống trong đợt dịch bệnh này.

Tâm An
 

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn