Trong 15 ngày đầu tháng 8/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng so với cùng kỳ năm 2020. Giá sắn nguyên liệu tại các vùng không có nhiều biến động, nhiều nhà máy sản xuất tại Tây Ninh vẫn ngừng hoạt động.
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dẫn số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam cho hay, trong 15 ngày đầu tháng 8/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 95,17 nghìn tấn, trị giá 41,62 triệu USD, giảm 7,9% về lượng và giảm 0,9% về trị giá so với 15 ngày cuối tháng 7/2021; so với 15 ngày đầu tháng 8/2020 tăng 17,5% về lượng và tăng 41,4% về trị giá. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,86 triệu tấn, trị giá 725,99 triệu USD, tăng 12,1% về lượng và tăng 26,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Lũy kế từ đầu năm đến ngày 15/8/2021, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 1,86 triệu tấn, trị giá 725,99 triệu USD
Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và sản phẩm sắn chủ yếu của Việt Nam. 7 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc gần 1,65 triệu tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 636,02 triệu USD, tăng 14,2% về lượng và tăng 28,3% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong mấy tháng gần đây, Trung Quốc có xu hướng giảm nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, trong khi tăng nhập khẩu từ Thái Lan và Indonesia.
Điều này cho thấy tinh bột sắn của Việt Nam đang bị cạnh tranh mạnh tại thị trường Trung Quốc. Lượng tiêu thụ của thị trường Trung Quốc có xu hướng giảm gây ra nhiều khó khăn cho các nhà máy sắn Việt Nam.
Tại thị trường trong nước, Cục Xuất nhập khẩu cho biết, từ đầu tháng 8/2021 đến nay, giá sắn nguyên liệu tại các vùng không có nhiều biến động, nhiều nhà máy sản xuất tại Tây Ninh vẫn ngừng hoạt động, nguồn cung sắn khan hiếm do ảnh hưởng bởi giãn cách xã hội. Xuất khẩu tinh bột sắn thấp do nhu cầu của Trung Quốc vẫn chậm. Trong khi đó, nắng nóng gay gắt kéo dài khiến nhiều diện tích sắn trồng mới tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên bị héo hoặc chết khô.
Tại Bình Định, bệnh khảm lá trên cây sắn lan rộng tại nhiều địa phương trong tỉnh Bình Định làm giảm năng suất và chất lượng củ sắn. Hiện nay, tổng diện tích trồng sắn của nông dân tại Bình Định ở cả hai vụ Đông Xuân và Hè Thu trên 10.000ha. Do thời tiết nắng nóng kéo dài, bệnh khảm lá càng làm cho cây sắn cằn cỗi. Bên cạnh đó, các loại côn trùng phát triển mạnh cũng là nguyên nhân lây lan bệnh trên diện rộng. Tại Phú Yên, hiện toàn tỉnh có 16.447ha sắn bị bệnh khảm lá virus. Cụ thể, huyện Sông Hinh có 6.000ha sắn bị bệnh, Đồng Xuân 4.250ha, Sơn Hòa 4.420ha, Tây Hòa 1.750ha, Phú Hòa 25ha, Tuy An 2ha.
Trong đó, diện tích sắn bị nhiễm bệnh nhẹ từ 5-15% khoảng 2.900ha; diện tích nhiễm bệnh ở mức độ trung bình từ 15-30% là hơn 6.100ha và gần 7.400ha sắn bị nhiễm bệnh rất nặng với tỉ lệ bệnh từ 50-100%. Cây sắn đang trong giai đoạn phát triển thân, lá, tích lũy tinh bột, vì vậy nếu bệnh tiếp tục phát tán sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chữ bột của củ sau này.
Do đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo người dân tăng cường chăm sóc, làm cỏ, bón phân giúp cây sinh trưởng tốt, chống chịu bệnh khảm lá, hạn chế ảnh hưởng đến năng suất.
Nguyễn Hạnh
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.