Lãnh đạo các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, TP. Cần Thơ cùng TCty Lương thực miền Bắc vừa ngồi lại với nhau tìm giải pháp tiêu thụ lúa hè thu 2021.
Nông dân An Giang đang bước vào cao điểm thu hoạch lúa hè thu 2021. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
4 tỉnh thành nhiều lúa bàn phương án
Hiện giá thu mua lúa đang có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Cụ thể, các giống lúa OM 9582, OM 5451, OM 18 giá dao động từ 4.200 - 5.000 đồng/kg; IR50404 có giá từ 3.800 - 4.200 đồng/kg, nếp có giá từ 4.000 - 4.600 đồng/kg.
Trên địa bàn tỉnh An Giang hiện có 12 doanh nghiệp thu mua lúa với diện tích là 15.654ha. Trong đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời thực hiện liên kết là 11.920ha, các doanh nghiệp đang tiếp tục thực hiện liên kết và thu mua lúa.
Ông Trương Kiến Thọ, Phó GĐ Sở NN-PTNT An Giang, cho biết: Tính đến nay, An Giang đã thu hoạch được 145.429ha lúa hè thu 2021, đạt 63,65% diện tích xuống giống, ước năng suất 5,8 tấn/ha, sản lượng 843.488 tấn. Dự kiến đến đến hết tháng 8/2021, thu hoạch cơ bản dứt điểm vụ hè thu 2021.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó GĐ Sở NN-PTNT Đồng Tháp thông tin: Trong tháng 8 này, tỉnh sẽ thu hoạch hơn 27.200ha lúa (trong đó vụ hè thu là 20.482ha), ước sản lượng gần 170.000 tấn. Trong tháng 9 sẽ thu hoạch 68.348ha, ước sản lượng hơn 392.900 tấn. Hiện có khoảng 70% sản lượng lúa của tỉnh Đồng Tháp được xay xát ngoài tỉnh (An Giang, Tiền Giang, Long An). Lượng gạo tồn kho của 28 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn còn khá nhiều nên khả năng thu mua tối đa chỉ khoảng 20.000 tấn lúa nguyên liệu.
Còn tại tỉnh Kiên Giang, địa phương có diện tích sản xuất lúa lớn nhất khu vực ĐBSCL. Ông Lê Hữu Toàn, Phó GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết: Hiện nay tỉnh đã thu hoạch lúa hè thu đạt trên 116.000ha/280.000ha diện tích xuống giống toàn tỉnh và dự kiến đến cuối tháng 8 thu hoạch trên 80.000ha.
Hiện giá lúa chất lượng cao tăng nhẹ từ 50 - 100 đồng/kg so với tuần trước, được thương lái thu mua với giá từ 5.500 - 5.800 đồng/kg. Riêng ở huyện Hòn Đất giá lúa chất lượng cao thu mua từ 5.800 - 6.000 đồng/kg, lúa ST24 từ 6.800 - 7.000 đồng/kg…
Hiện nay, giá thu mua lúa hè thu ở ĐBSCL đang có xu hướng tăng nhẹ, tuy nhiên vẫn ở mức thấp. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo ông Toàn, do ảnh hưởng của dịch bệnh nên việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa giữa các tỉnh gặp nhiều khó khăn đã ảnh hưởng đến việc thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo. Mặt khác, giá lúa đang thấp, nhưng giá phân bón, vật tư nông nghiệp lại tăng cao, do đó cần có kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương,… xem xét giảm giá bán phân bón, vật tư nông nghiệp để chia sẻ với người nông dân.
Đề nghị đưa cảng Mỹ Thới và Thốt Nốt hoạt động lại
Bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Hội đồng thành viên TCty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) cho biết: Hiện nay chuỗi cung ứng logistics lúa gạo đang bị đứt gãy do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, lúa bị ách tắc từ đồng ruộng cho đến nhà máy, cảng xuất khẩu.
Về phía Vinafood 1 sẵn sàng thu mua lúa cho nông dân. Thực tế, Vinafood 1 đang có đơn hàng 100.000 tấn gạo cần phải mua ngay để giao cho phía đối tác, nhưng đang gặp khó khăn vì chuỗi cung ứng logistics bị đứt gãy. Chưa kể các nhà máy ở An Giang và Đồng Tháp phải tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của dịch bệnh, doanh nghiệp không thuê được tàu, hoặc container để xuất hàng cho đối tác, dẫn đến hàng hóa ùn ứ ở cảng và kho rất lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, TCty Lương thực miền Bắc còn tồn hơn 118.000 tấn gạo trong các kho, trữ lượng hàng tồn từ 70 - 86% tổng diện tích kho của các công ty.
Để giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo thuận lợi, 4 tình thành: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ sẽ thành lập Tổ công tác phản ứng nhanh giúp tiêu thụ lúa gạo. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Bà Tâm mong muốn 4 địa phương sớm có giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi trong việc di chuyển cho lực lượng tham gia thu mua, vận chuyển lúa. Cụ thể là sớm đưa 2 cảng Mỹ Thới (An Giang) và Thốt Nốt (Cần Thơ) trở lại hoạt động bình thường, để giảm áp lực cho cảng Cát Lái (TP.HCM).
Tiếp theo, việc áp dụng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” ở các nhà máy sản xuất lúa gạo là không khả thi. Thay vào đó các địa phương có thể cho doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo phương án “một cung đường, 2 điểm đến. Từ đó TCty mới có thể đảm bảo duy trì sản xuất. Đồng thời, ưu tiên tiêm vacxin cho đội ngũ tham gia chuỗi logistics lúa gạo (thương lái, tài công, công nhân bốc xếp, kho, nhà máy).
Qua đó lãnh đạo các tỉnh An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ thống nhất sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động thu hoạch, vận chuyển lúa gạo, hàng nông sản trên địa bàn với điều kiện người được xét nghiệm phải âm tính với SARS-CoV-2 (bằng phương pháp PCR mẫu gộp) còn hiệu lực.
Ông Huỳnh Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và ông Trần Anh Thư, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cùng đại diện tỉnh Kiên Giang, Cần Thơ sẽ có văn bản chung để kiến nghị Thủ tướng, Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương tháo gỡ khó khăn này, cũng như có chính sách về gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp thu mua lúa gạo tạm trữ.
Dự kiến, 4 tỉnh thành này sẽ lập tổ công tác liên ngành và thiết lập đường dây nóng để giải quyết kịp thời những vướng mắc, vừa đảm bảo không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, vừa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch Covid-19.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT 4 tỉnh, thành gồm: An Giang, Đồng Tháp, Kiên Giang và TP Cần Thơ, hiện nay còn khoảng 3 triệu tấn lúa hè thu và thu đông sớm chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu ở Kiên Giang, Đồng Tháp và An Giang (TP Cần Thơ đã thu hoạch xong lúa hè thu năm 2021). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19, nên các tỉnh gặp khó khăn trong khâu thu hoạch, vận chuyển và tiêu thụ lúa, dẫn đến giá lúa tươi bán tại ruộng của bà con nông dân thấp.
Lê Hoàng Vũ - Đào Chánh
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.