Giá gạo của Ấn Độ trong tuần qua đã giảm xuống 354 -358 USD/tấn, mức thấp nhất trong hơn 4 năm rưỡi; trong khi giá gạo của Thái Lan duy trì ở mức thấp của 2 năm trong tuần thứ 2 liên tiếp.
Ảnh minh họa. (Nguồn: scmp.com)
Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 năm rưỡi do nhu cầu ảm đạm và tình trạng gián đoạn logistic. Trong khi đó, đồng baht Thái suy yếu và thiếu khách mua khiến giá gạo Thái Lan giao dịch gần mức thấp của 2 năm trong tuần thứ 2 liên tiếp.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống 354 -358 USD/tấn so với mức 361-366 USD/tấn trong tuần trước. Nitin upta, phó chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Olam Ấn Độ, cho biết nhu cầu đang chậm lại do giá gạo Thái Lan giảm giữa lúc rất thiếu container và tàu chuyên chở.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 385-410 USD/tấn trong phiên ngày 5/8, so với mức 385-408 USD/tấn trong tuần trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2019.
Các thương nhân cho hay, nguồn cung không thay đổi, trong khi chi phí vận chuyển cao hơn đã ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu mặc dù giá thấp. Trong khi đó, một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết giá cả hiện nay chủ yếu dao động theo tỷ giá hối đoái, nhưng chi phí vận chuyển cao đã làm giảm nhu cầu.
Còn giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi, ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Các thương nhân cho hay nguồn cung trong nước đang tăng lên giữa bối cảnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch vụ Hè-Thu, nhưng hoạt động giao dịch chậm lại do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch bệnh lây lan trong khu vực.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh nói rằng nông dân đang gặp khó khăn khi bán lúa mới thu hoạch, và nhiều người trong số họ do dự không tiếp tục sản xuất vào vụ sau. Truyền thông ngày 3/8 đưa tin Việt Nam có kế hoạch dự trữ gạo mua từ nông dân trong nước để bù đắp ảnh hưởng từ các biện pháp hạn chế do dịch COVID-19 gây ra và giá xuất khẩu thấp.
Trong khi đó, các quan chức Bộ Lương thực Bangladesh cho biết nước này đã thắng thầu mua 50.000 tấn gạo từ một công ty Ấn Độ với giá 377,88 USD/tấn thông qua một cuộc đấu thầu quốc tế.
Thị trường nông sản Mỹ
Giá các mặt hàng nông sản tại sàn Chicago (Mỹ) đều tăng trong phiên 6/8, dẫn đầu là lúa mỳ.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 3,5 xu Mỹ (0,63%) lên 5,565 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 tăng 6,25 xu Mỹ (0,88%) lên 7,19 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 8,25 xu Mỹ (0,62%) lên 13,3675 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 g; 1 bushel ngô = 25,4kg).
Giá mặt hàng đậu tương tăng sau khi Trung Quốc mua 8-10 chuyến đậu tương mới của Mỹ. Sau đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo Trung Quốc tiếp tục mua thêm hai chuyến đậu tương nữa, cho thấy Trung Quốc đang nối lại cam kết thu mua đậu tương của Mỹ trở lại.
Ngoài ra, giá đậu tương Mỹ hiện ở mức thấp nhất trên thế giới sau khi giá FOB của đậu tương Brazil giao tháng 9-10 tăng 1,6 USD. Ngô Mỹ dự kiến cũng trong tình trạng tương tự trong vài tuần nữa.
Thu hoạch lúa mỳ tại một trang trại ở Dixon, Illinois (Mỹ). (Nguồn: wsj.com)
Việc Trung Quốc nối lại hoạt động mua ngô và đậu tương Mỹ sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho giá sau báo cáo mùa vụ tháng Tám của USDA. Sản lượng cây trồng mùa vụ 2021-2022 giảm mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu ngô và đậu tương Mỹ trong mùa Thu này.
Dự báo thời tiết cho thấy khu vực phía Nam sẽ có mưa, song lượng mưa không đáng kể, trong khi đó tại khu vực Trung Tây, mưa rải rác ở một số khu vực, còn một số khu vực khác sẽ hứng chịu nắng nóng quay trở lại vào giữa tuần tới, đặc biệt là khu vực đồng bằng và phía Tây của Trung Tây.
Thị trường cà phê thế giới
Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá cà phê Robusta tại London giao tháng 9/2021 giảm 21 USD/tấn xuống 1.743 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá cà phê Arabica giao tháng 9/2021 giảm 0,9 xu Mỹ/lb xuống 176 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg).
Tại thị trường trong nước, giá cà phê ngày 7/8 được giao dịch trong khoảng 35.0900-36.600 đồng/kg.
Khép phiên cuối tuần này, thị trường cà phê hòa chung xu hướng giảm của thị trường vàng và dầu thế giới, trong khi các sàn hàng hóa phái sinh khác đều tăng, nguyên nhân do chỉ số đồng USD tăng vọt. Thị trường chứng kiến dòng tiền chảy vào chứng khoán và tiền ảo. Chứng khoán Mỹ lên cao kỷ lục nhờ hy vọng phục hồi kinh tế của quốc gia này.
Thị trường Robusta London tiếp tục chứng kiến xu hướng bán ra, chốt lời của đầu cơ ngắn hạn cho dù vẫn còn lo ngại nguồn cung bị chậm lại vì cước phí vận tải biển quá đắt đỏ và đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Trong khi đó, thông tin về hy vọng có mưa tại các vùng trồng cà phê Brazil trong tuần sau đã ngăn chặn đà tăng của Arabica, khiến giá cà phê của cả hai sàn cùng lao dốc phiên cuối cùng của tuần này.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu cà phê của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 110.000 tấn, trị giá 207 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá so với tháng 6/2021, so với tháng 7/2020 ổn định về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá.
Minh Hằng
TTXVN/Vietnam+
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.