Giá heo hơi chỉ còn khoảng 60.000 đồng/kg, nhiều nơi xuống dưới 50.000 đồng/kg. Cùng với việc các chợ đầu mối tại TP HCM tạm dừng hoạt động càng khiến ùn ứ lượng heo tới lứa xuất chuồng, giá heo có thể giảm sâu hơn, trong khi giá thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao.
Đầu ra heo hơi khó khăn, giá nào cũng phải bán
Đồng Nai là nơi có đàn heo lớn nhất các tỉnh, thành phía Nam, chủ yếu tiêu thụ ở TP HCM. Mỗi ngày, địa phương cung cấp 5.000 – 7.000 con heo cho TP HCM. Số heo này được tiêu thụ chủ yếu qua chợ đầu mối Hóc Môn.
Tuy nhiên theo Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đến hôm nay lượng cung ứng chỉ còn khoảng 2.000 con heo, sau khi cả ba chợ đầu mối của TP HCM gồm Bình Điền, Hóc Môn, Thủ Đức đồng loạt tạm dừng hoạt động để phòng chống dịch COVID-19, điều này khiến đầu ra của người chăn nuôi bị co hẹp lại.
Chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, cho biết: "Khi các chợ đầu mối và hàng trăm chợ truyền thống bị đóng cửa thì việc tiêu thụ heo của người chăn nuôi vô cùng khó khăn.
Mặc dù nhu cầu của người tiêu dùng vẫn rất cao nhưng đầu ra của người chăn nuôi không có. Lý do là thương lái tại các chợ đầu mối bị dương tính COVID-19 tương đối nhiều nên không có người thu mua, từ đó, giá cả liên tục đi xuống".
Theo Cục Chăn nuôi, giá heo hơi cuối tháng 6 dao động ở mức 62.000 – 68.000 đồng/kg, giảm khoảng 32.000 – 38.000 đồng/kg so với thời kỳ khi giá heo lên đỉnh 100.000 đồng vào tháng 5/2020.
Tuy nhiên, ông Đoán cho biết thực tế người chăn nuôi, nhất là hộ nhỏ lẻ đang phải bán giá dưới 50.000 đồng/kg. Mức giá này so với tuần trước giảm 10.000 đồng/kg, còn so với tháng trước đã giảm đến 20.000 đồng/kg.
Với tình hình này, các trang trại, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ của tư nhân bị thiệt hại nặng nề nhất vì không được bao tiêu đầu ra như các trại chăn nuôi gia công.
Trong khi đó, tình trạng dịch bệnh COVID-19 lan rộng khiến người chăn nuôi càng lo thị trường heo hơi rơi vào cơn khủng hoảng đầu ra vì không tiêu thụ được. Giá thức ăn chăn nuôi quá cao, heo trọng lượng lớn khó bán, giá rẻ nên càng để càng thiệt hại.
"Giá thức ăn chăn nuôi lên quá cao sau 8 lần điều chỉnh liên tiếp từ tháng 11/2020 đến nay, người chăn nuôi không biết khi nào các chợ đầu mối mới mở cửa lại bình thường khiến giá cả có thể tiếp tục đi xuống nên hiện nay giá nào người ta cũng phải bán đi để có tiền trang trải chi phí", Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai chia sẻ.
Các chợ đầu mối và chợ truyền thống tại TP HCM tạm dừng hoạt động khiến việc tiêu thụ heo của người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. (Ảnh: Sài Gòn Giải Phòng)
Nguồn cung tồn đọng, giá heo khó thể phục hồi
Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự kiến giá heo hơi sẽ phục hồi trở lại trong quý III/2021 nhờ dịch bệnh được kiểm soát, thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ.
Tuy nhiên, đại diện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho rằng: "Những tháng sắp tới, có thể giá cả cũng không tăng lên được do lượng heo tại các doanh nghiệp, nhà chăn nuôi đang bị tồn đọng, sau vài tháng họ sẽ bung nguồn hàng đó ra nên có thể nguồn cung heo sẽ dư thừa".
Về lâu dài, theo ông Nguyễn Kim Đoán, với tình hình đầu ra của người chăn nuôi khó khăn trong khi đầu vào liên tục tăng vì giá thức ăn chăn nuôi nên việc tái đàn rất hạn chế, do người chăn nuôi không dám mạnh tay đầu tư khi không biết giá cả thời gian tới như thế nào.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc người chăn nuôi thận trọng trong việc tái đàn có thể giúp thị trường trở nên cân bằng ở thời điểm hiện tại, giúp cho doanh nghiệp quản lý tốt hơn vấn đề tài chính.
Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục kéo dài sẽ dẫn tới việc thiếu hụt nguồn cung vào thời gian tới. Do đó, người chăn nuôi cần chủ động thay đổi phương thức kinh doanh, ứng dụng công nghệ để giảm chi phí sản xuất, chăn nuôi theo chuỗi.
Khi dịch COVID-19 ổn định, nhu cầu về thực phẩm cho các ngành chế biến, các nhà hàng, bếp ăn sẽ rất lớn.
Dù vậy, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai hiện nay các doanh nghiệp lớn đã đầu tư nhiều vào chăn nuôi nên các tháng cuối năm, có thể mức cân đối của thị trường sẽ không phức tạp. Do sau dịch bệnh, khả năng chi tiêu của người tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng nên việc tiêu thụ cũng sẽ kém đi.
"Bên cạnh đó, việc nhập thịt từ nước ngoài cũng đang tăng lên rất nhiều nên chúng tôi e ngại khi nhập nhiều quá không cân đối nhu cầu cuối năm có thể bóp chết ngành chăn nuôi, từ đó, khó có thể phục hồi giá heo trong nước cũng như kích thích người nông dân tái đàn trong thời gian tới", ông Đoán nhận định.
Thực tế, theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 5 tháng đầu năm 2021, nhập khẩu thịt heo tươi ướp lạnh hoặc đông lạnh đạt 63.500 tấn, trị giá 146 triệu USD, tăng hơn 142% về lượng và tăng 130,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Nga là thị trường lớn nhất cung cấp thịt heo cho Việt Nam với 27.400 tấn, trị giá gần 75 triệu USD, tăng tới 608% về lượng và tăng gần 545% về trị giá so với 5 tháng đầu năm ngoái.
Như Huỳnh
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.