Thời tiết bất thường đang tác động tiêu cực lên vụ lúa mì thế giới

Giá lúa mì giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng rất mạnh trong vòng hai tuần trở lại đây bất chấp vụ lúa mì Mỹ và thế giới đang bước vào cao điểm thu hoạch. Nhiệt độ cao khắp các khu vực trồng lúa mì vụ xuân của Mỹ cũng như điều kiện thời tiết bất lợi diễn ra ở hầu hết các khu vực có sản lượng lúa mì và là nhà xuất khẩu lớn nhất thế giới là nguyên nhân chính tác động vào xu hướng tăng của lúa mì.

Nhiệt độ cao tác động lúa mì vụ xuân của Mỹ

Mùa xuân và mùa đông là hai mùa gieo hạt chính của lúa mì trong năm. Hiện tại, lúa mì vụ đông đang trong giai đoạn thu hoạch, tính đến tuần kết thúc ngày 18/07 thu hoạch lúa mì vụ đông đã đạt được 73%, ngang bằng với mức cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn 2 điểm phần trăm so với mức trung bình 5 năm.

Trong khi đó, lúa mì vụ xuân vẫn còn trong giai đoạn tăng trưởng, cụ thể đang trong giai đoạn hình thành cụm đầu. Nhưng điều kiện thời tiết đã không hoàn toàn ủng hộ cho lúa mì vụ xuân giai đoạn này, khi có đến 98% sản lượng lúa mì vụ xuân vẫn nằm trong khu vực trải qua khô hạn. Phẩm chất cây trồng sụt giảm mạnh ở mức 11% tính đến tuần ngày 18/08, thấp hơn 57 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.


Năng suất lúa mì vụ xuân, vốn đã ở mức thấp nhất kể từ năm 2002 sẽ tiếp tục sụt giảm, kéo theo sản lượng lúa mì vụ xuân suy giảm ở mức thấp nhất trong vòng 33 năm. Với việc gần như toàn bộ lúa mì vụ xuân điều chịu ảnh hưởng bởi nền nhiệt cao và có xu hướng kéo dài trong thời gian tới còn tác động đến tổng sản lượng lúa mì khi lúa mì vụ xuân chiếm từ 20%-30% tổng sản lượng lúa mì của Mỹ. Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), năng suất lúa mì vụ xuân 2021 dự kiến đạt 30.7 giạ/mẫu, giảm 38% so với năm 2020. Mức giảm kỷ lục từng ghi nhận là vào năm 1988, giảm đến 42% so với năm 1987.



Tổng sản lượng lúa mì Mỹ nhiều khả năng sẽ tiếp tục có triển vọng kém hơn nữa so với các ước tính từ USDA vào tháng 7, khiến cho tồn kho thắt chặt hơn trong bối cảnh tiêu thụ tăng mạnh, từ đó thúc đẩy giá lên cao. Cụ thể, trong báo cáo Cung – cầu mùa vụ thế giới tháng 7/2021, USDA dự kiến sản lượng lúa mì Mỹ niên vụ 2021/22 sẽ ở mức 1.746 tỷ giạ, giảm 152 triệu giạ so với ước tính vào tháng 6. Trong đó, sản lượng lúa mì vụ đông giảm 41% so với niên vụ trước, đạt 345 triệu giạ. Tỷ lệ tồn kho trên sử dụng tiếp tục xu hướng giảm trong 5 năm, giá lúa mì tại nông trại dự kiến sẽ tăng đạt mức 6.6 USD/giạ, tăng 0.1 USD/giạ so với ước tính vào tháng 6.

Thời tiết khô nóng tác động đến các vùng trồng chính của Nga, lũ lụt làm giảm chất lượng lúa mì châu Âu

Tại Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới đang đối diện với nhiều kiểu hình thời tiết trái ngược, tác động tiêu cực lên vụ mùa lúa mì Nga. Các cơn mưa đã xuất hiện vào đầu vụ thu hoạch tại miền Nam đã làm chậm tốc độ thu hoạch lúa mì vụ đông, dẫn đến năng suất sụt giảm. Ngoài ra, thời tiết hiện nay lại quá nóng và bất thường khiến hạt lúa mì thiếu độ ẩm nghiêm trọng, chỉ ở mức 10% thay vì 14-16%, làm trọng lượng hạt lúa giảm xuống.

Thời tiết khô nóng cũng là vấn đề chính của lúa mì vụ xuân ở miền trung nước Nga (10% tổng sản lượng vụ xuân) và thung lũng Volga (27% sản lượng lúa mì vụ xuân). Đa phần lúa mì vụ xuân tại Ural và Seberia đã bị tàn phá bởi khô hạn, đây là hai khu vực chiếm 18% và 53% sản lượng lúa mì vụ xuân của Nga. Trong khi đó, sản lượng lúa mì vụ xuân chiếm hơn 30% tổng sản lượng lúa mì Nga.

Công ty tư vấn nông nghiệp SovEcon đã cắt giảm tổng sản lượng lúa mì Nga 2021 xuống còn 82.4 triệu tấn từ mức 84.6 triệu tấn. Trước đó USDA đã cắt giảm 1 triệu tấn xuống còn 85 triệu tấn. Bộ Nông Nghiệp Nga có góc nhìn tương đối lạc quan hơn khi vẫn duy trì sản lượng ở mức 81 triệu tấn, không có sự thay đổi so với ước tính trước đó.

Tại Châu Âu, mưa lũ lịch sử đã gây nên tác động xấu đối với mùa màn tại khu vực này, trong đó có mặt hàng xuất khẩu chủ chốt là lúa mì. Hoạt động thu hoạch tại hai quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn nhất khu vực là Pháp và Đức đã phải trì hoãn với những nỗi lo về ẩm mốc và mầm bệnh khiến cho chất lượng lúa mì sụt giảm. Trong khi đó, chất lượng lúa mì tại Romania cũng đã hư hỏng đáng kể. Chưa kể, việc trì hoãn thu hoạch còn có tác động tiêu cực đến các đơn hàng xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như Algeria, Ai Cập cũng như các quốc gia khu vực Đông Nam Á. Tính đến tuần kết thúc ngày 18/07, xuất khẩu lúa mì mềm khu vực Châu Âu niên vụ 2021/22 đạt 371,171 tấn, thấp hơn 53% so với cùng kỳ niên vụ trước.

Trung Quốc tiếp tục đối diện với mưa bão

Trung Quốc cũng đang chịu những tác động tương tự với đợt mưa lớn nhất chưa từng thấy trong vòng 1,000 năm qua. Phần lớn tỉnh Hà Nam của Trung Quốc chìm trong biển nước, nước sông dâng lên nhanh chóng, các hồ chứa và các đập chứa đang trong tình trạng khẩn cấp.

Năm trước Trung Quốc đã đối diện với tình trạng bão lũ lịch sử, khiến quốc gia này phải xả con đập lớn nhất thế giới là Tam Hiệp, làm ảnh hưởng đến phần lớn mùa màng tại tại hạ lưu sông. Trong bối cảnh đó, Trung Quốc đã buộc phải giải phóng kho dự trữ lương thực quốc gia và sau đó thu mua một lượng lớn lúa mì và ngô nhằm bù đắp trở lại.

Trong điều kiện hiện tại, các cơn mưa lớn đều diễn ra tại phía đông Trung Quốc, khu vực tập trung sản xuất lúa mì chủ chốt của quốc gia này. Mưa lớn có thể gây hại đến chất lượng lúa mì vụ mới đang trong thời gian thu hoạch vụ hè. Ước tính sản lượng lúa mì vụ hè Trung Quốc năm 2021 đạt 134 triệu tấn, tăng 2% so với năm trước. Lúa mì vụ hè chiếm phần lớn sản lượng lúa mì Trung Quốc. Trong đó, Hà Nam (38.03 triệu tấn), Sơn Đông (26.37 triệu tấn), sau đó là An Huy (16.99 triệu tấn), Hồ Bắc (14.83 triệu tấn) và Giang Tô (13.8 triệu tấn).


Nếu tình trạng mưa lũ tiếp diễn nghiêm trọng, có thể thúc đẩy quốc gia này quay lại thu mua lượng lớn lúa mì trên thị trường thế giới, đặc biệt là Mỹ để có thể đảm bảo được các nhu cầu trong nước, đặc biệt là bổ sung vào kho dự trữ ngũ cốc đang có kế hoạch tăng thêm công suất 10.85 triệu tấn trong năm 2021 cho nhiệm vụ đảm bảo an ninh lương thực, một nhiệm vụ đã được Chủ tịch Tập Cận Bình nâng lên thành chiến lược cấp quốc gia trong tuần trước.

Bên cạnh đó, đàn lợn Trung Quốc cũng đã phục hồi nhanh chóng về mức trước dịch tả lợn xảy ra, điều này sẽ khuyến khích tiếp tục sử dụng thức ăn chăn nuôi từ lúa mì khi giá lúa mì vẫn còn đang tương đối thấp hơn so với giá ngô. Tính đến hết tháng 6, tổng đàn lợn Trung Quốc là 439 triệu con đạt 99.4% mức trước khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra vào năm 2017. Đàn lợn nái đạt 45.64 triệu con, tăng 2% so với cuối năm 2017.

Nguồn: Saigon Futures


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn