Không phải từ khi tỉnh Bình Thuận có 14 ca nhiễm bệnh Covid-19 trong làn sóng dịch thứ 4, người trồng thanh long trong tỉnh mới rơi vào thế khó. Mà trước đó, nông dân chưa bao giờ vơi bớt nỗi lo, khi giá vật tư đầu vào tỷ lệ nghịch với giá bán nông sản…
Bẻ búp, dưỡng cành
Trong cơn mưa rả rích cuối tháng 6, ông Nguyễn Văn Dinh, xã Hàm Mỹ (huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) trầm buồn nhìn về phía gần 1.000 trụ thanh long.
Bởi cách đây hơn nửa tháng, lứa hàng chong điện cuối mùa nghịch của gia đình được khoảng 2,5 - 3 tấn trái, nhưng thương lái chỉ lựa ra được 700 kg để thu mua với giá 1.000 đồng/kg. Với ông, bây giờ không thể tính toán được lỗ bao nhiêu, mà chỉ gỡ được đồng nào hay đồng ấy…
Bước vào chính vụ, ông Dinh đã chủ động bẻ búp để dưỡng cành. Ở lứa bông trổ sau, ông giữ lại chăm sóc, còn khoảng 10 ngày nữa sẽ cho trái xuất bán.
Vì vậy, khi hay tin vài ngày qua, thương lái thu mua thanh long tăng giá trở lại, từ 6.000 - 10.000 đồng/kg, ông cũng mừng thầm. Theo ông Dinh, hiện nay chi phí đầu vào như phân bón, điện, xăng, thuốc diệt cỏ đều cao ngất ngưởng (thuốc diệt cỏ từ 75.000 - 80.000 đồng/chai, nay tăng lên 130.000 đồng/chai).
Một mặt giá bán trái thanh long quá thấp, thu không đủ chi. Hiện một số hộ xung quanh đã chong đèn sớm, canh lứa trái phục vụ nhu cầu thị trường dịp rằm tháng 8 sắp tới...
Còn hộ ông Nguyễn Tánh (xã Hàm Liêm, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) có hơn 1.000 trụ thanh long, cũng vừa qua một lứa bẻ búp, dưỡng cành.
Đến lứa mới này đang cúp bông, dự kiến khoảng 1 tháng nữa mới xuất bán. Ông Tánh cho hay, giai đoạn này thời tiết có mưa rải rác, nên thanh long gặp bệnh đốm nâu khá nhiều. Trong khi giá bán thanh long thấp, chi phí đầu tư lại cao, nên bà con đã đồng loạt bẻ búp vụ mùa để dưỡng cành, cầm cự chờ đến mùa chong đèn, hy vọng khả quan hơn.
Vượt khó khăn, thách thức
Hiện nay, do dịch Covid-19 trên thế giới và trong nước đang diễn biến hết sức phức tạp, phải thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội.
Do đó, dự báo trong thời gian tới, tình hình sản xuất và tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận tiếp tục gặp nhiều khó khăn.
Một mặt, việc tiêu thụ trái thanh long đang bị cạnh tranh với các loại trái cây khác. Mặt khác, tình hình xuất khẩu thanh long đang được phía Trung Quốc siết chặt kiểm soát tại các cửa khẩu phía Bắc.
Chính vì vậy, ông Phan Văn Tấn - Phó Giám đốc Sở NNPTNT cho rằng, việc cần làm lúc này là ứng phó với những khó khăn thách thức, tiếp tục phát triển sản xuất thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận theo hướng bền vững.
Do đó, trong thời gian đến, Sở NNPTNT cùng với Sở Công Thương sẽ tập trung hướng dẫn người sản xuất xử lý bằng kỹ thuật chăm sóc thanh long phù hợp với sản lượng gần tới kỳ thu hoạch.
Đồng thời, tăng cường sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP để chuyển sang xuất khẩu chính ngạch. Song song, tập trung khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất rải vụ, nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường, tránh tình trạng khủng hoảng thừa cục bộ, giá giảm sâu.
Về tiêu thụ, đơn vị sẽ thường xuyên thu thập thông tin tình hình thị trường tiêu thụ, giá cả thanh long… để cung cấp thông tin cho người dân và doanh nghiệp sản xuất, tiêu thụ thanh long.
Ngành nông nghiệp cũng vận động doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở thu mua, tiêu thụ, xuất khẩu thanh long dự trữ hàng trong kho lạnh để xuất khẩu chính ngạch, tiêu thụ nội địa và chuẩn bị xuất khẩu tiểu ngạch.
Mặt khác, có các giải pháp hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến bán hàng trên thị trường nội địa, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước. Xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ thanh long khi có tình huống bất lợi xảy ra, ảnh hưởng đến việc tiêu thụ trong nước và xuất khẩu...
Thế khó bao vây, người trồng thanh long lúc này chỉ biết cầm cự “chờ thời”, cố gắng giữ gốc thanh long để bám trụ.
Theo số liệu từ Sở NNPTNT tỉnh Bình Thuận, diện tích thanh long hiện có trên địa bàn tỉnh là 33.750 ha. Sản lượng thu hoạch 4 tháng đầu năm 125.200 tấn. Sản lượng thu hoạch tháng 5 khoảng 43.200 tấn, tháng 6 khoảng 49.600 tấn và tháng 7/2021 dự kiến khoảng 30.400 tấn.
Kiều Hằng (Báo Bình Thuận)
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.