Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long khốn đốn vì lúa và trái cây giảm giá, sữa phải đổ bỏ

Gần 100 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa tại huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng đang phải đổ bỏ 1,4 tấn sữa tươi mỗi ngày, do sản phẩm không được thu mua.

Hiện TP HCM là thị trường tiêu thụ chính của công ty, tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài dẫn đến quá trình từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ gặp nhiều khó khăn.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó. Ảnh: TTXVN

Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát mạnh tại Đồng bằng sông Cửu Long đúng vào thời điểm nhiều địa phương đang thu hoạch nhiều nông sản: lúa, trái cây. Nông dân gặp nhiều trở ngại, khó khăn chồng chất khó khăn khi thị trường xuất khẩu nông sản thu hẹp, thị trường tiêu thụ trong nước chật vật do chuỗi cung ứng hàng hóa đứt gãy...

Gần 100 hộ nông dân chăn nuôi bò sữa tại huyện Mỹ Xuyên tỉnh Sóc Trăng đang phải đổ bỏ 1,4 tấn sữa tươi mỗi ngày, do sản phẩm không được thu mua. Phần lớn nông dân nuôi bò sữa trên địa bàn đã ký hợp đồng bán sản phẩm cho hợp tác xã Evergrowth ở huyện  Mỹ Tú, được thu mua ổn định từ nhiều năm nay với giá 12.000 đồng mỗi lít. Tuy nhiên, từ ngày 19/7, HTX Evergrowth không cho xe vận tải vào để thu mua sản phẩm.

"Đau lòng" đổ bỏ sữa bò

Theo ông Nguyễn Giang Lam, Phó Giám đốc hợp tác xã Evergrowth, do thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, tại thị trấn Mỹ Xuyên chỉ cho xe 2,5 tấn lưu thông nhưng xe lạnh của hợp tác xã 3,5 tấn nên không vào được các xã thu mua cho bà con.

Do khó khăn trong việc đưa phương tiện đi thu mua sữa, Hợp tác xã đã làm thủ tục đăng ký "luồng xanh" để cho xe từ huyện Mỹ Tú chạy sang TP Sóc Trăng lấy sữa giúp người dân.

Lý giải về việc đã 4 ngày, nhưng Hợp tác xã Evergrowth vẫn chưa được cấp “thẻ xanh” để vận chuyển sữa, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, cho hay do có quá nhiều doanh nghiệp đăng ký xe chạy "luồng xanh" nên cơ quan chức năng trong tỉnh chưa thể đáp ứng kịp thời mọi hồ sơ đăng ký, vì vậy, phương tiện vận chuyển nông sản của nhiều hợp tác nông nghiệp chưa được cập nhật để cấp thẻ.

“Chúng tôi sẽ gấp rút đề nghị các đơn vị chức năng phối hợp với Hợp tác xã Evergrowth khẩn trương hoàn thành các thủ tục nhưng phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch để ngày 23/7 có thể thu mua sữa cho bà con”, ông  Lâu khẳng định. 

Trong khi đó tại thành phố Cần Thơ, Công ty TNHH Food Farm ở Nông trường Sông Hậu (xã Thới Hưng, huyện Cờ Đỏ) đã có văn bản “cầu cứu” các ngành chức năng thành phố để tìm đầu ra cho sản phẩm sữa bò. Theo đó, Công ty này có đàn bò sữa trên 500 con, cho sản lượng trung bình 1.500 lít sữa bò tươi thanh trùng mỗi ngày.

Hiện TP HCM là thị trường tiêu thụ chính của công ty, tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 phức tạp, kéo dài dẫn đến quá trình từ sản xuất, vận chuyển đến tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thường xuyên bị gián đoạn do tài xế bị cách ly. Sữa thanh trùng có hạn dùng trong 10 ngày nên không tiêu thụ được thì phải huỷ. Tính từ đầu tháng 7/2021 đến nay, công ty đã phải hủy bỏ hàng chục nghìn lít sữa.

Lúa, trái cây rớt giá

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp, vụ hè thu năm nay, toàn tỉnh xuống giống trên 187.200ha. Hiện các diện tích giai đoạn thu hoạch rộ tập trung tại các huyện: Tân Hồng, Tam Nông, Thanh Bình với giá lúa chất lượng cao tại ruộng là 6.000 đồng/kg, lúa IR50404 giá 5.200 đồng/kg, giảm gần 1.000 đồng/kg so với hơn 1 tháng trước.

Không chỉ riêng lúa, hiện nay nhiều loại nông sản khác trên địa bàn tỉnh cũng đang rớt giá trầm trọng khiến nông dân gặp nhiều khó khăn. Đối với các loại nông sản này, ngoài nguyên nhân thị trường xuất khẩu thu hẹp, việc các chợ đầu mối ở TP HCM– nơi tiêu thụ nông sản lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long ngừng hoạt động khiến nông sản ùn ứ.

Bên cạnh đó, trở ngại trong khâu vận chuyển hàng hóa ra khỏi những vùng cách ly cũng khiến nông sản gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ.

Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, toàn tỉnh hiện có hơn 35.000 ha trồng cây ăn trái, trong đó, một số loại cây ăn trái có diện tích lớn đang vào vụ thu hoạch đều giảm giá từ 30-50% so với thời điểm cách nay hơn 1 tháng.

Cụ thể, xoài cát Hòa Lộc giá chỉ còn 18.000 đồng/kg; nhãn 10.000 đồng/kg; cam soàn 12.000 đồng/kg; thanh long 7.000 đồng/kg; ổi 2.000 đồng/kg; chanh 1.000 đồng/kg... Việc nông sản đồng loạt giảm giá khiến nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, địa phương có hàng trăm ha nhãn xuồng, hiện đang vào mùa nhãn xuồng với sản lượng gần 3.000 tấn (thu hoạch trong tháng 7 và tháng 8).

Tuy nhiên, do địa phương xuất hiện các ca nhiễm Covid-19 ngoài cộng đồng nên phải thực hiện giãn cách xã hội, từ đó ảnh hưởng đầu ra nặng nề, trái nhãn đã chín rộ nhưng không bán được hoặc bán với số lượng rất ít vì thị trường tiêu thụ bị ách tắc.

Hiện giá nhãn xuống bán tại vườn chỉ dao động từ 8.000 - 13.000 đồng/kg (tùy loại), giảm gần một nửa so với mùa vụ cùng kỳ năm trước.

Tại huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng, có gần 4.500 ha cây ăn trái các loại, chủ yếu là nhãn, thanh long, ổi… Do ảnh hưởng của dịch bệnh nên giá cả các loại cây ăn trái của địa phương cũng bị ảnh hưởng, như nhãn Idor chỉ còn khoảng 7.000 đồng/kg, so với trước giảm 8.000 đồng/kg so với tháng trước.

Tại thành phố Cần Thơ, trên vùng đất Nông trường Sông Hậu có khoảng 400 ha nhãn ido và thanh nhãn đang vào vụ thu hoạch với sản lượng ước tính khoàng 3.000 tấn, cũng đối mặt nguy cơ không được tiêu thụ, nông dân thua lỗ. Năm trước, nhãn ido có giá bán 25.000-30.000 đồng; nhưng thời điểm này, giá giảm 3-4 lần nhưng không có người mua.

Tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hóa

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, theo đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngày 22/7/2021, Bộ Y tế đã có Công văn 5886/BYT-MT về việc vận chuyển hàng hoá.

Theo đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho lưu thông hàng hóa, Bộ Y tế (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19) đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo:

Yêu cầu người điều khiển phương tiện và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hóa thực hiện khai báo y tế trước khi bắt đầu hành trình và đảm bảo xuất trình được mã QR kết quả khai báo y tế (trên điện thoại thông minh hoặc thiết bị phù hợp hoặc bản giấy) khi có yêu cầu kiểm tra.

Đối với địa bàn thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg, yêu cầu đơn vị vận tải, chủ phương tiện: chỉ cho phép người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá thực hiện nhiệm vụ khi đã có Giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2 được thực hiện trong vòng 3 ngày (72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm).

Tại các chốt kiểm soát dịch Covid-19 và trên các tuyến giao thông: không kiểm tra Giấy chứng nhận xét nghiệm Covid-19 đối với người điều khiển và nhân viên nghiệp vụ đi cùng trên phương tiện vận chuyển hàng hoá khi lưu thông giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đang cùng thực hiện Chỉ thị số 16/CT- TTg gồm: TP HCM, tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và 16 tỉnh thực hiện giãn cách theo Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch tại một số địa phương.

Không thực hiện kiểm tra phòng, chống dịch tại chốt kiểm soát dịch trên tất cả các tuyến giao thông đối với phương tiện vận tải hàng hoá có Giấy nhận diện phương tiện theo thời hạn do Sở Giao thông vận tải tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.

Nguồn: VnEconomy



*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn