Giá tiêu ngày 5/7/2021

Giá tiêu hôm nay 5/7 trong khoảng 73.500 - 76.500 đồng/kg. 
 


Giá tiêu thế giới

Trên thị trường thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá tiêu giao ngay tại sàn Kochi - Ấn Độ giảm 657,15 rupee/tạ, ở mức 41.142,85 rupee/tạ. Tỷ giá tính chéo của đồng Việt Nam đối với đồng rupee Ấn Độ (INR) từ ngày 1/7/2021 đến ngày 7/7/2021 được Ngân hàng Nhà nước áp dụng tính thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu là 311,99 VND/INR.

Giá tiêu trong nước

Giá tiêu hôm nay tại thị trường trong nước giao dịch ở mức từ 73.500 - 76.500 đ/kg tại các địa phương.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay tại Gia Lai, Đồng Nai thấp nhất thị trường khi ở mức 73.500 đ/kg.

Giá tiêu hôm nay tại các tỉnh Đắk Nông, Đắk Lắk (74.500 đ/kg); Bình Phước (75.500 đ/kg) và Bà Rịa - Vũng Tàu ở ngưỡng cao nhất là 76.500 đ/kg.

Hiện nay thị trường trong nước đang phản ứng tiêu cực sau khi Tổng cục Thống kê công bố "Sản lượng một số cây công nghiệp lâu năm 6 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm trước, trong đó hồ tiêu đạt 271,7 nghìn tấn, tăng 3,1%...". Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết số liệu của Tổng Cục Thống kê là tổng hợp từ các địa phương và được coi là con số pháp lý.

Tuy nhiên, trong vụ thu hoạch vừa qua, sau hai đợt khảo sát các vùng trồng tiêu trọng điểm ở Đông Nam bộ và Tây Nguyên, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) đưa ra dự báo sản lượng tiêu năm nay chỉ trong khoảng 168 - 180 ngàn tấn, thấp hơn năm ngoái khoảng 25 - 30%. Nguyên nhân do nhiều vùng trồng bỏ bê việc chăm bón vì giá thấp kéo dài và dịch bệnh tràn lan. Thậm chí, một số thành viên đoàn khải sát còn cho rằng sản lượng thực tế còn giảm hơn nữa…

Tiếp đó, tại phiên họp Ban chấp hành VPA quý I/2021, ông Nguyễn Tấn Hiên - Phó Chủ tịch VPA, cũng là đơn vị xuất khẩu hồ tiêu Trân Châu, khẳng định sản lượng có thể giảm nhưng không tới mức 30% như đoàn khảo sát kết luận. Như vậy, dù có ý kiến khác nhau về số lượng giảm, nhưng hầu hết các ý kiến đều thống nhất sản lượng hồ tiêu vụ mới không thể cao hơn vụ trước. Không thể có con số thống kê như của Tổng Cục Thống kê là 271,3 nghìn tấn.

Thực tế thị trường cũng chứng minh, nhiều nhà xuất khẩu thể hiện mối lo sẽ không đủ nguồn cung cho các khách hàng truyền thống, buộc họ phải nhập khẩu từ các nước khác để bù đắp. Chưa có khi nào việc kinh doanh xuất khẩu hồ tiêu gặp nhiều khó khăn như lúc này.Hiện nay, giá phân bón trong nước đang cao đến chóng mặt. Ông Lê Văn Thanh - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Sản xuất-Thương mại-Dịch vụ-Du lịch Nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai) cho biết: Trước khi tăng giá, 1 triệu đồng mua được 2 bao phân, giờ 1 triệu đồng chỉ mua được gần hoặc hơn 1 bao một chút. “So với tầm này năm ngoái, Urê tăng gần 6 triệu đồng mỗi tấn, các dòng khác cũng tăng không kém. Nhiều hộ thành viên của HTX gần như bỏ bê vườn cây bởi không còn đủ khả năng mua phân bón. Hợp tác xã thì đứng trước nguy cơ vỡ nợ bởi phân bón đã nhập về nhưng không bán được, còn nông dân thì xác định bỏ mặc vườn cây”-ông Thanh cho biết trên báo Gia Lai.

Trước tình cảnh trên, hợp tác xã đang vận động và hướng dẫn bà con chuyển đổi từ phân bón vô cơ sang sử dụng phân bón hữu cơ, bởi đây là hướng đi tất yếu trong xu thế hội nhập, đặc biệt là đối với thị trường ngày một khắt khe của thế giới.Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê-cho biết: Sử dụng phân bón hữu cơ có rất nhiều cái lợi cho vườn cây bởi đây là lối canh tác bền vững: tránh tình trạng “bóc lột” đất, “bóc lột” cây hồ tiêu, tăng độ phì và không gây nguy hại cho đất; đảm bảo được môi trường trong lành; vườn cây phát triển bền vững và cho năng suất cao, chất lượng hạt tiêu được đảm bảo theo các tiêu chí của người sử dụng… Trước tình hình giá phân bón tăng cao đến chóng mặt, việc sử dụng phân bón hữu cơ được xem là có lợi cả đôi đường.

Nguồn: Công Thương


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn