Giá lương thực toàn cầu tăng tháng 13 liên tiếp

Giá lương thực toàn cầu đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong một thập niên, làm trầm trọng thêm những thách thức đối với các quốc gia dễ bị tổn thương nhất trên thế giới, khi họ vẫn đang phải "vật lộn" với những tác động từ đại dịch COVID-19.

Chỉ số giá lương thực- thực phẩm thế giới (FAO Food Price Index, FFPI) là thước đo sự thay đổi hàng tháng của giá các hàng hóa trong lĩnh vực lương thực- thực phẩm. Tính đến tháng 6/2021, đã là tháng thứ 13 liên tiếp chỉ số này chỉ có tăng mà không giảm, thể hiện ở giá của các lương thực– thực phẩm thiết yếu như dầu ăn, đường, ngũ cốc, thịt và sữa.

Theo báo cáo của FAO, giá ngô cao hơn 67% so với 1 năm trước, đường tăng gần 60% và dầu ăn tăng gấp đôi. Giá lương thực tăng cao có thể nói là “thảm họa” đối với hàng triệu người trên toàn cầu- vốn đã và đang phải đối mặt với tình trạng tuyệt vọng do đại dịch Covid-19, khiến nạn đói gia tăng nhanh chóng ở các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

FAO lo ngại rằng, giá cả tăng cao có thể làm gia tăng thêm những bất ổn xã hội ở các quốc gia vốn đang "sa lầy" vào tình trạng thiếu ổn định trong nước.



Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ (The UN World Food Program) cũng thông tin, hiện có 270 triệu người suy dinh dưỡng cấp tính hoặc đang trong tình trạng sức khỏe tồi tệ ở 79 quốc gia mà Chương trình đang hoạt động, gấp đôi con số này vào năm 2019. Các khu vực đang đối mặt với cuộc khủng hoảng đói nghèo do giá lương thực tăng vọt bao gồm Đông Nam Á, Châu Phi và Trung Mỹ.

Ngân hàng Thế giới (WB) ước tính, có tới 124 triệu người rơi xuống dưới chuẩn nghèo quốc tế, sống dưới mức 1,90 đô-la/ngày, vào năm 2020 do hậu quả của đại dịch. Dự kiến ​​sẽ có thêm 39 triệu người nữa vào năm 2021, nâng tổng số người sống trong tình trạng nghèo cùng cực trên thế giới lên 750 triệu người.

Các nhà phân tích chỉ ra rằng chi phí lương thực- thực phẩm tăng phi mã do một loạt yếu tố kinh tế và biến đổi khí hậu toàn cầu. Thêm vào đó, tác động của đại dịch Covid-19 đối với nguồn cung cấp lương thực- thực phẩm toàn cầu là không thể phủ nhận. So sánh mức tăng hiện tại với mức tăng giá lương thực- thực phẩm 10 năm trước, đại diện Chương trình Lương thực Thế giới của LHQ đánh giá: “Điều đặc biệt ở thời điểm này là giá cả tăng tỷ lệ nghịch với thu nhập của người dân. Sự kết hợp của hai yếu tố này, hàng hóa đắt đỏ và người tiêu dùng không có sức mua, là nguy cơ lớn nhất mà các Chính phủ cần đối mặt”.

Các yếu tố khác đứng sau xu hướng gia tăng giá lương thực bao gồm hạn hán ở Brazil, khiến giá ngô tăng, giá dầu phục hồi và sự bùng nổ chi phí vận chuyển đường biển.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo sản lượng vụ mùa giai đoạn 2021-2022 sẽ đạt mức cao kỷ lục và đây cũng được đánh giá sẽ là vụ thu hoạch kỷ lục đối với đậu tương Brazil và ngô Mỹ. Nếu những điều này thành hiện thực, tình hình giá cả tăng sẽ dịu xuống.

Tuy vậy, điều kiện khí hậu có thể là một nhân tố khó đoán định. Ông Schmidhuber tin tưởng rằng, giá lương thực sẽ vẫn tương đối cao trong năm nay, đặc biệt là nếu giá dầu tăng do ngành nông nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng.

Trong khi đó, nhà kinh tế Abdolreza Abbassian của FAO, điều duy nhất chắc chắn là thị trường lương thực trong tương lai sẽ còn biến động nhiều hơn so với trước đây.

 Trung Anh


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn