Sau phiên lao dốc mạnh phiên đầu tuần, giá cà phê thế giới lấy lại đà tăng vào ngày hôm qua. Thị trường trong nước, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm cũng tăng trung bình 400 - 500 đồng/kg.
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.
Giá cà phê thế giới
Phiên đóng cửa thị trường, giá cà phê robusta trên sàn ICE Futures Europe - London, bất ngờ tăng mạnh. Giá cà phê kỳ hạn giao tháng 9 tăng 29 USD (1,67%), giao dịch tại 1.761 USD/tấn; Trong khi đó, giá cà phê robusta kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 30 USD (1,73%), lên 1.763 USD/tấn. Khối lượng giao dịch thấp.
Trong khi đó giá cà phê arabica trên sàn ICE Futures US - New York cùng quay đầu tăng mạnh bất ngờ. Giá cà phê arabica kỳ hạn giao tháng 9 tăng mạnh 10,40 Cent (6,65%), lên 166,8 Cent/lb và kỳ hạn giao tháng 11 cũng tăng 10,35 Cent (6,5%), lên 169,7 Cent/lb. Khối lượng giao dịch tăng mạnh.
Giá cà phê trong nước
Sáng nay, giá cà phê tại các vùng trồng trọng điểm tăng trung bình 400 - 500 đồng/kg so với cùng thời điểm hôm qua.
Tại huyện Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lộc (Lâm Đồng) giá cà phê hôm nay được thu mua với mức 35.300 đồng/kg.
Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay ở mức 36.200 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk), Buôn Hồ (Đắk Lắk) giá cà phê hôm nay được thu mua cùng mức 36.100 đồng/kg.
Tương tự tại tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay thu mua ở mức 36.100 đồng/kg tại Gia Nghĩa và 36.000 đồng/kg ở Đắk R'lấp.
Tại tỉnh Gia Lai, giá cà phê hôm nay ở mức 36.100 đồng/kg (Chư Prông), ở Pleiku và La Grai cùng giá 36.000 đồng/kg. Còn giá cà phê hôm nay tại tỉnh Kon Tum được thu mua với mức 36.100 đồng/kg.
Theo ICO, tiêu thụ cà phê thế giới trong niên vụ 2020-2021 dự kiến đạt 167,2 triệu bao, tăng 1,9% so với niên vụ 2019-2020, nhưng vẫn thấp hơn 0,8% so với mức 168,5 triệu bao so với thời điểm trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát.
Giá cà phê toàn cầu trong tháng 6/2021 tăng lên mức cao nhất trong nhiều năm qua do được hỗ trợ bởi nguồn cung sụt giảm tại một số nhà sản xuất kết hợp với sự gián đoạn của hoạt động thương mại và yếu tố đầu cơ.
Tại Việt Nam, tính chung trong quý II, giá cà phê tăng trung bình khoảng 10% nhờ nguồn cung giảm trong khi nhu cầu ở các thị trường lớn như Mỹ, EU phục hồi nhờ khống chế tốt dịch bệnh. Nhu cầu nhập khẩu cà phê của châu Âu và Mỹ tăng trở lại khi lệnh giãn cách xã hội được nới lỏng, sẽ tác động tích cực lên hoạt động xuất khẩu mặt hàng này.
USDA dự báo trong niên vụ 2021-2022, sản lượng cà phê của Việt Nam sẽ phục hồi và tăng 1,8 triệu bao lên 30,8 triệu bao sau khi khô hạn ảnh hưởng đến sự phát triển của cây cà phê vào niên vụ trước.
Nguồn: Công Thương
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.