Vụ thu đông ở ĐBSCL dự báo sẽ hết sức thuận lợi do mùa mưa kết thúc sớm; xâm nhập mặn bớt căng thẳng; lũ đầu mùa ít có khả năng xuất hiện...
Ngày 8/7, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến cùng các tỉnh, thành Nam Bộ sơ kết sản xuất trồng trọt vụ hè thu, triển khai sản xuất vụ thu đông, vụ mùa 2021.
Vụ hè thu được mùa
Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu 2021, tổng diện tích xuống giống toàn vùng Nam Bộ 1.599 nghìn ha, giảm 11 nghìn ha; năng suất ước đạt 56,51 tạ/ha, tăng 1,14 tạ/ha; sản lượng ước đạt 9.036 nghìn tấn, tăng 120 nghìn tấn so với hè thu 2020.
Trong đó, vùng ĐBSCL xuống giống 1.515 nghìn ha, giảm 9 nghìn ha; năng suất ước đạt 56,66 tạ/ha, tăng 1,15 tạ/ha; sản lượng ước đạt 8.584 nghìn tấn, tăng 124 nghìn tấn.
Vụ hè thu ở các tỉnh phía Nam, nhất là vùng ĐBSCL đã cơ bản thắng lợi, năng suất cao. Ảnh: LHV.
Diện tích lúa vụ hè thu giảm chủ yếu do chuyển đổi sang trồng cây rau màu hằng năm, cây ăn quả và nuôi trồng thủy sản có hiệu quả kinh tế cao hơn, nhu cầu nguồn nước tưới ít hơn so với trồng lúa. Diện tích lúa giảm khoảng 11 nghìn ha, nhưng do năng suất bình quân tăng 1,14 tạ/ha, nên bù đắp được sản lượng thiếu hụt do giảm diện tích và tăng 120 nghìn tấn so với hè thu 2020.
Cơ cấu giống lúa sản xuất vụ hè thu 2021 đang có xu hướng chuyển dịch dần sang các giống lúa thơm, đặc sản (nhất là giống lúa thơm ST 24, ST 25) và giống lúa chất lượng cao phù hợp với yêu cầu thị trường xuất khẩu, nhất là thị trường EU theo các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU đang có nhiều tiềm năng phát triển trong thời gian tới và nâng cao giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam, có thời điểm đạt đến 500 USD/tấn trong năm 2020.
Cụ thể, cụ thể : Giống lúa thơm, đặc sản đạt 29,8%, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2020; giống lúa chất lượng cao đạt 48,0%, tăng 2,0%; giống chất lượng trung bình đạt 11,5%, giảm 4,7% so với cùng kỳ; giống lúa nếp đạt 10,7%, giảm 1,1% so với cùng kỳ… Trong đó, một số tỉnh đến vụ hè thu 2021 đã có tỉ lệ diện tích các giống lúa chất lượng cao đạt trên 90%.
Đến vụ hè thu 2021, cơ cấu nhóm lúa chất lượng cao vùng ĐBSCL đã tăng rất cao. Đồ họa: LB.
Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu 2021, giá thành sản xuất lúa bình quân tạm tính là 3.728 đồng/kg, tăng 143 đồng/kg so với vụ hè thu 2020 ( tăng khoảng 4% ), trong khi giá phân và vật tư đầu vào khác cũng tăng theo bón (giá ure khoảng 10.000 đồng/kg so với cùng kỳ là 6.500 đồng/kg; phân DAP khoảng 15.000 đồng/kg, tăng 5.000 đ/kg so với cùng kỳ; phân bón tăng khoảng 40 – 60%).
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang kiến nghị thời gian tới, cần khẩn trương kêu gọi các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu lương thực tích cực triển khai thu mua sớm cho lúa vụ hè thu. Bởi lúa hè thu ở An Giang thu hoạch chính vụ tập trung từ giữa tháng 7 tới giữa tháng 8/2021.
Bên cạnh đó, An Giang cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT cũng như các bộ ngành có giải pháp căn cơ cho việc tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu một số loại trái cây từ nay tới cuối năm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến hết sức phức tạp tại các tỉnh phía Nam. Điển hình như tại An Giang, thời gian tới dự kiến khoảng 80 nghìn tấn xoài sẽ tới vụ thu hoạch, tuy nhiên giá cả hiện đang có xu hướng giảm và tiêu thụ tiềm ẩn nhiều bấp bệnh…
"Hiện nay, giá vật tư, phân bón các loại cũng đang tăng rất cao, trong khi đó giá cả nhiều loại trái cây và lúa lại đang có xu hướng giảm. Vì vậy, Bộ NN-PTNT và các bộ ngành cần sớm có giải pháp nhằm ổn định, hạ giá vật tư nông nghiệp, đảm bảo đầu tiêu thụ cho các loại nông sản thời gian tới", ông Nguyễn Sĩ Lâm kiến nghị.
Vụ thu đông "lũ đẹp"
Theo Tổng cục Thủy lợi, vụ thu đông 2021, mùa mưa ở các tỉnh ĐBSCL có khả năng đến sớm hơn mọi năm và kết thúc sớm hơn vào khoảng cuối tháng 11/2021. Xâm nhập mặn cũng sẽ bớt căng thẳng và kết thúc sớm hơn mọi năm. Lũ đầu mùa ít có khả năng xuất hiện. Lũ hệ thống các sông ĐBSCL có khả năng xung quanh cao nhất ở mức báo động 2, ở mức “lũ đẹp”. Bão ít có khả năng ảnh hưởng tới vùng ĐBSCL… Đây là những dữ liệu cho thấy vụ thu đông 2021 sẽ hết sức thuận lợi cho việc sản xuất lúa.
Theo dự báo, điều kiện thời tiết vụ thu đông 2021 sẽ rất thuận lợi. Ảnh: LHV.
Theo Cục Trồng trọt, vụ thu đông 2021, toàn vùng ĐBSCL gieo sạ khoảng 700 nghìn ha; năng suất 55,19 tạ/ha, tăng 0,11 tạ/ha; sản lượng 3.864 nghìn tấn.
Thời vụ gieo sạ vụ thu đông phân theo vùng ngập sâu, ngập nông và vùng ven biển được khuyến cáo bố trí như sau:
Vùng ngập sâu: Vùng Đồng Tháp Mười và một phần Tứ giác Long Xuyên gồm An Giang (162 nghìn ha), Đồng Tháp (120 nghìn ha), Long An (45 nghìn ha); Kiên Giang (83 nghìn ha); thời vụ xuống giống vụ thu đông trong cơ cấu 3 vụ sẽ xuống giống vào cuối tháng 6 nữa đầu tháng 7, kết thúc xuống giống vào 20 tháng 8/2021, diện tích xuống giống đạt khoảng 410.000 ha.
Vùng ngập nông: Vùng phù sa ngọt Sông Tiền, Sông Hậu gồm Cần Thơ (59 nghìn ha), Vĩnh Long (47 nghìn ha); Hậu Giang (37 nghìn ha), Tiền Giang (2 nghìn ha). Đây là vùng tương đối thuận lợi cho sản xuất 3 vụ, không bị ảnh hưởng của ngập lũ, do vậy cần tập trung chỉ đạo đúng lịch thời vụ sản xuất và lưu ý theo dõi mực nước lũ, triều cường, thời vụ xuống giống vụ thu đông xuống giống vào đầu tháng 7 kết thúc xuống giống vào 10 tháng 8/2021, diện tích xuống giống đạt 145.000 ha
Vùng ven biển gồm: Trà Vinh (73 nghìn ha); Bến Tre (11 nghìn ha); Sóc Trăng (3 nghìn ha); Bạc Liêu (44 nghìn ha), thời vụ xuống giống vụ thu đông xuống giống vào cuối tháng 7 đầu tháng 8 kết thúc xuống giống vào 30 tháng 8/2021, diện tích xuống giống đạt 130.000 ha.
Cục Trồng trọt khuyến cáo các địa phương tiếp tục cải thiện về giống lúa vùng ĐBSL theo hướng lúa chất lượng, giảm lượng giống gieo sạ/diện tích. Ảnh: LHV.
Cơ cấu giống lúa cần ưu tiên sử dụng một số giống lúa thơm chiếm tỉ lệ 30% trong cơ cấu giống: Jasmine 85, nhóm giống ST, Nàng Hoa 9, VD20, Đài Thơm 8... Giống lúa chủ lực xuất khẩu cần chiếm tỉ lệ 50-60%: OM5451, OM6976, OM18, OM 7347, OM4900... Hạn chế xuống giống lúa nếp và nhóm giống giống chất lượng trung bình IR 50404, OM 576.
Cục Trồng trọt cũng đề nghị các địa phương ĐBSCL sử dụng những giống lúa cho vụ thu đông cần lưu ý về tính chống chịu với rầy nâu, vàng lùn và lùn xoắn lá, bệnh cháy lá, cháy bìa lá và giống có độ cứng cây để hạn chế đổ ngã.
Từ vụ hè thu sang thu đông, cần có thời gian giãn cách và làm đất, vệ sinh đồng ruộng thật tốt, tiêu hủy nguồn bệnh vàng lùn và lùn xoắn lá, tiêu hủy rơm rạ hoặc sử dụng các hoạt chất phân hủy rơm rạ để hạn chế ngộ độc hữu cơ.
Sử dụng phân bón trong vụ thu đông ngoài việc cung cấp dinh dưỡng đa lượng phải lưu ý đến việc bổ sung canxi và silic cho lúa để tăng cường tính chống chịu trong điều kiện mưa bão…
Cẩn trọng chuyển đổi đất lúa
Theo Cục Trồng trọt, vụ hè thu 2021, diện tích chuyển đổi cây trồng trên đất lúa các tỉnh Nam bộ ước đạt 27.394 ha (ĐBSCL ước đạt 23.816 ha; Đông Nam Bộ ước đạt 3.578 ha), trong đó chuyển đổi cây hăng năm là 20.620 ha; cây ăn quả là 6.420 ha và nuôi trồng thủy sản là 354 ha.
Theo Cục Trồng trọt, việc chuyển đổi đất lúa các tỉnh ĐBSCL nhiều nơi còn mang tính tự phát, liên kết lỏng lẻo, bấp bênh tiêu thụ. Ảnh: LHV.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi đất lúa sang cây ăn qủa vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Đối với kỹ thuật canh tác, một số diện tích nông dân trồng với nguồn giống có chất lượng cây chưa đạt yêu cầu. Nông dân chưa nhuần nhuyễn với kỹ thuật canh tác cây ăn quả, thiếu kiến thức và phương tiện, trang thiết bị dẫn đến chất lượng không cao.
Ví dụ như: trồng mật độ quá dày để khai thác tối đa quỹ đất, sử dụng phân bón và chất kích thích quá nhiều để nâng tối đa năng suất, sử dụng thuốc BVTV quá liều lượng, nồng độ để phòng trừ dịch hại…
Việc tổ chức sản xuất chưa theo quy hoạch và định hướng của địa phương, còn mang tính tự phát, phổ biến là hình thức thuê đất của nông dân trồng lúa để trồng cây cam. Sự liên kết giữa sản xuất và thu mua để tiêu thụ sản phẩm còn lỏng lẻo, nên giá cả bấp bênh, chưa ổn định.
Việc chuyển đổi cây trồng từ đất lúa sang trồng cây ăn quả đòi hỏi phải có vốn đầu tư lớn. Các địa phương cũng chưa hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch chuyển đổi gắn với thời vụ, vùng chuyển đổi, cây trồng, tiêu thụ sản phẩm.
Tập trung giải pháp hạ giá thành sản xuấtTại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đề nghị thời gian tới, các tỉnh phía Nam, nhất là các tỉnh ĐBSCL cần tập trung bám sát đồng ruộng, đề phòng sâu bệnh hại cuối vụ hè thu. Bởi diện tích lúa hè thu phía Nam hiện mới chỉ thu hoạch khoảng 30% diện tích, phần lớn vẫn đang nằm ngoài đồng, vẫn còn rủi ro.Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: HG.Bên cạnh đó, các địa phương cần tập trung thu hoạch dứt điểm các diện tích lúa hè thu đã tới kỳ thu hoạch, với phương châm “xanh nhà hơn già đồng” để đề phòng rủi ro, cũng như giải phóng đất để sản xuất vụ thu đông.Về sản xuất vụ thu đông 2021 tại các tỉnh ĐBSCL, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đề nghị các địa phương căn cứ vào lịch thời vụ của Cục Trồng trọt đối với các trà, các vùng cụ thể, cố gắng xuống giống kết thúc trước 20/8/2021, chậm nhất tới 25/8/2021 để né nguy cơ ảnh hưởng của hạn, mặn, tránh được ảnh hưởng của triều cường, lũ lớn…Căn cứ vào tình hình biến động thị trường giá lúa gạo, giá cả vật tư đầu vào cũng như tình hình dịch bệnh Covid-19, các tỉnh ĐBSCL mục tiêu gieo cấy diện tích vụ hè thu xoay quanh 700 nghìn ha (các tỉnh phía Nam khác khoảng 65 nghìn ha vụ mùa). Cơ cấu giống, mục tiêu gieo cấy diện tích lúa thơm, đặc sản khoảng 30% tổng diện tích vùng ĐBSCL, các giống chủ lực xuất khẩu khoảng 55-60%, hạn chế giống lúa nếp và lúa thường, chất lượng trung bình ở vụ thu đông.Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung cho các gói kỹ thuật đồng bộ trong canh tác lúa như “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm”, chương trình IPM… trong canh tác lúa nhằm tiếp tục hạ giá thành sản xuất, chi phí vật tư đầu vào,hướng tới ngành lúa gạo giá trị, bền vững…
Lê Bền
Báo Nông nghiệp
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.