Nông dân ĐBSCL đang lo ngại nông sản rớt giá, ùn ứ khi nhiều chợ đầu mới ở TP.HCM đóng cửa và một số địa phương trong khu vực thực hiện giãn cách xã hội.
Nông dân Tiền Giang và Long An đang vào mùa thu hoạch thanh long. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Trái cây mùa chín rộ
Hiện tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng cây ăn trái lớn nhất ĐBSCL với trên 82.700ha với các loại trái cây chủ lực như thanh long, sầu riêng, xoài, cam, quýt, khóm.
Tiền Giang cũng là địa phương có nhiều chợ đầu mối tiêu thụ trái cây cho các tỉnh lân cận như: An Hữu, Vĩnh Kim, Cái Bè và nhiều vựa thu mua trái cây đóng trên địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy.
Tình hình dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến việc tiêu thụ trái cây của doanh nghiệp, bà con nông dân nơi đây cũng như ở ĐBSCL.
Vựa trái cây Kiều Linh (xã An Thái Trung, huyện Cái Bè, Tiền Giang) chuyên thu mua các loại trái cây như cam, bưởi, quýt, xoài để tiêu thụ tại các siêu thị ở TP HCM. Trước khi có chỉ thị giãn cách xã hội, cơ sở này mỗi ngày có đến 20 tài xế lái xe vận chuyển cung cấp trái cây.
Tuy nhiên, từ khi có chỉ thị giãn cách xã hội và kiểm soát ra vào chặt chẽ, cơ sở này phải tạm thời cho nhân công nghỉ việc. Hiện nay chỉ còn 7 nhân công hoạt động cầm chừng.
Chị Nguyễn Thị Kiều Oanh, chủ vựa trái cây Kiều Linh, cho biết: Từ đây đến TP HCM có đến mấy chốt kiểm tra. Qua nhiều chốt như vậy thời gian tăng lên rất nhiều. Bây giờ, giao một tấn hàng mất 9 tiếng, tài xế vẫn chưa về nhà được. Hàng hoá giao không kịp trễ nải hết. Giao hàng khó khăn như vậy nên lượng hàng đi được giảm đi rất nhiều. Trước đây mỗi ngày cơ sở của tôi đi cả chục xe, còn bây giờ ngày 1-2 xe, ngày nào nhiều được 3 xe.
Hơn nữa, chi phí cho các thương lái thu mua tại vườn cũng phải tăng lên vì họ cũng phải làm xét nghiệm qua trạm. Phải cho nhân viên đi test kiểm tra, giấy có hiệu lực 3 ngày mà khi có giấy đã hết một ngày, chỉ được có hai ngày. Bây giờ lượng hàng đi được có hạn nên trái cây ngoài vườn tồn đọng, chín hái không kịp. Trái cây chín, hư hỏng thì nông dân chịu thiệt.
Còn chị Hạnh, chủ vựa trái cây Út Hạnh (huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) chuyên thu mua các loại trái cây đặc sản trong vùng như sầu riêng, bưởi da xanh, chôm chôm cho biết, ngoài thu trái cây ở huyện Chợ Lách, chị cũng mua trái cây ở tỉnh Vĩnh Long. Hiện giờ dịch bệnh, đi lại khó khăn nên ngưng thu mua ở vùng dịch, chỉ thu mua những vùng không có dịch và giao hàng cũng chỉ ở trong tỉnh thôi.
Từ tháng 7 đến tháng 9 là thời điểm một số loại trái cây ở ĐBSCL vào mùa chín rộ. Tỉnh An Giang sẽ có đợt xoài thu hoạch rộ vào cuối năm, từ tháng 10 đến tháng 12/2021, với sản lượng khoảng 84.000 tấn. Nếu dịch bệnh tiếp tục phức tạp có khả năng đợt xoài tới sẽ tiêu thụ khó khăn. Lý do 80% xoài ở An Giang xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Tại TP Cần Thơ, nhà vườn cũng đang lo lắng việc tiêu thụ nhãn, cam, chôm chôm, ổi, mận, mít, mãng cầu xiêm sắp tới đợt thu hoạch.
Ông Trần Thái Nghiêm, Phó GĐ Sở NN-PTNT Cần Thơ, cho biết: TP Cần Thơ đang gấp rút chuẩn bị kế hoạch dự trù, tổ chức tiêu thụ một số nông sản sắp vào mùa, nhất là các loại nông sản dự báo thu hoạch sản lượng lớn sắp đưa ra thị trường. Hy vọng ngành Giao thông - Vận tải sớm điều tiết các phương tiện vận tải hàng hóa thông suốt. Từ đó mới tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Tại vùng trồng nhãn ở huyện Châu Thành được xem là lớn nhất tỉnh Đồng Tháp đang bước vào cao điểm thu hoạch trái bán cho thương lái giá giảm từ 6.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Cụ thể nhãn xuồng được thương lái thu mua tại vườn với giá 15.000 đồng/kg giảm 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Còn nhãn Ido giá bán hiện nay chỉ còn 18.000 đồng/kg, giảm khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg so với tháng trước.
Tại vùng trồng nhãn ở huyện Châu Thành được xem là lớn nhất tỉnh Đồng Tháp đang bước vào cao điểm thu hoạch trái bán cho thương lái giá giảm từ 6.000 - 8.000 đồng/kg so với tháng trước. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Theo nhiều nhà vườn trồng nhãn ở Đồng Tháp cho biết, trước giờ nhãn là loại trái bán rất ổn định trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Nhưng chỉ riêng từ đầu năm 2021 đến nay, do ảnh hưởng dịch Covid-19 khiến giá nhãn giảm và tiêu thụ gặp khó khăn. Đặc biệt, thời gian gần đây chợ đầu mối Bình Điền ở TP. HCM là nơi tiêu thụ rất lớn nhãn của Châu Thành nhưng do bị đóng cửa nên nhãn nơi đây tiêu thụ chậm hơn rất nhiều.
Ông Nguyễn Phước Thiện, Giám đốc Sở NN-PTNT Đồng Tháp, cho biết, hiện nay, các địa phương đã cho phép dùng test nhanh để thông tuyến nên không vướng vụ vận chuyển. Khó khăn hiện nay là các chợ đầu mối đóng cửa nên giảm lượng cầu. Hơn nữa, cách 3 ngày test nhanh 1 lần nên lái xe cảm thấy mệt mỏi và tập trung đông nên sợ lây nhiễm vì vậy một số tài xế muốn tạm nghỉ. Đối với giao hàng tại cảng thì không có nhân lực nên bốc dỡ hàng bị ùn ứ. Địa phương đang tìm giải pháp để thu hoạch nông sản trong vùng dịch và vận chuyển nông sản ra khỏi vùng dịch.
Theo thống kê của ngành nông nghiệp Đồng Tháp, tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn gần 34.000 ha. Trong tháng 6 đầu năm, giá bán một số mặt hàng trái cây chủ lực giảm do nhu cầu thị trường. Cụ thể, so với tháng trước, xoài cát Hòa Lộc có giá 25.000 đồng/kg nay giảm còn 15.000 đồng/kg. Xoài tượng da xanh 5.000 đồng/kg nay còn 2.000 đồng/kg. Cam soàn có giá 20.000 đồng/kg nay giảm còn 15.000 - 16.000 đồng/kg.
Tỉnh Bến Tre đang có khoảng 300 ha nhãn ở xã Tam Hiệp, huyện Bình Đại còn khoảng nửa tháng nữa thu hoạch rộ. Hiện tại Bến Tre chưa thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Đoàn Văn Đảnh, Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre, vấn đề quan trọng là việc thường xuyên thiếu container và giá phí vận chuyển liên tục tăng vọt trong thời gian gần đây (giá vận chuyển tăng gấp 2- 3 lần mà vẫn thiếu container).
Theo ghi nhận của Báo Nông nghiệp Việt Nam tại địa bàn huyện Đông Hải (Bạc Liêu), sau khi địa phương có ca nhiễm Covid-19 xuất hiện, người dân đã ồ ạt thu hoạch tôm sớm hơn kế hoạch vì sợ giãn cách không có người mua.
Anh Lê Văn Thống (xã Điền Hải, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) cho biết: Diễn biến dịch bệnh Covid-19 phức tạp nên ao tôm được 60 ngày tuổi, đạt 85 con/kg, anh quyết định thu hoạch, thương lái mua với giá 92.000 đồng/kg. Bán xong anh cảm thấy tiếc vì nếu nuôi thêm khoảng tháng nữa có thể đạt 25 -30 con/kg vì thời điểm này tôm phát triển nhanh.
Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 giá tôm thẻ ở ĐBSCL đang ở mức thấp, người nuôi không có lãi. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Còn anh Ngô Quốc Thái (ấp Bửu Đông, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, Bạc Liêu) chia sẻ: Vụ tôm năm nay gia đình thả nuôi hai ao theo mô hình công nghệ cao hai giai đoạn. Tôm nuôi được 85 ngày đạt từ 25-30 con/kg, phát triển rất tốt. Tuy nhiên, do lo sợ dịch bệnh Covid-19 thương lái không di chuyển để thu mua được nên liên hệ bán sớm. Ngày đầu tiên loại tôm 25-30 con/kg bán được giá 128.000 đồng/kg. Sang ngày thứ hai thương lái trả chỉ còn 122.000 đồng/kg. “Chỉ sau một ngày đã mất 6 triệu đồng/tấn”, anh Thái than thở.
Anh Thái cho biết thêm, vụ tôm năm nay với hai ao nuôi tổng cộng 1.700m2 thu hoạch được hơn 10 tấn tôm, trừ chi phí lãi trên 650 triệu đồng. Hiện tại đang cải tạo mở rộng thêm 4 ha ao nuôi tôm để chuẩn bị thả vụ tới. Tuy nhiên, còn phải chờ xem tình hình dịch Covid-19 diễn biến như thế nào mới tính tiếp vì chi phí đầu tư lớn.
Theo ghi nhận của phóng viên trên địa bàn tỉnh Cà Mau, hiện nay giá tôm nguyên liệu vẫn ổn định. Cụ thể, tôm sú loại 20 con/kg có giá 230.000 đồng, loại 30 con/kg có giá 185.000 đồng, loại 40 con/kg có giá 165.000 đồng, loại 50 con/kg giá 156.000 đồng và loại 100 con/kg có giá 75.000 đồng. Trong khi đó, giá tôm thẻ vẫn ở mức thấp. Tôm thẻ loại 20 con/kg giá 136.000 đồng, loại 25 con/kg giá 125.000 đồng, loại 30 con/kg giá 118.000 đồng, loại 40 con giá 107.000 đồng, loại 50 con giá 101.000 đồng và loại 100 con giá 75.000 đồng.
Đề nghị Bộ NN-PTNT giới thiệu doanh nghiệp thu mua lúa
Các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa hè thu 2021. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên số lượng doanh nghiệp đến thu mua lúa hè thu giảm so cùng kỳ và có khả năng ùn ứ vào cuối tháng 7 đến giữa tháng 8/2021.
Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở NN-PTNT An Giang cho biết, tỉnh An Giang đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 15/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ trên phạm vi toàn tỉnh trong vòng 15 ngày, kể từ 0 giờ, ngày 11/7/2021. Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong việc tiêu thụ và vận chuyển nông sản đang diễn ra phức tạp.
Các tỉnh ĐBSCL đang thu hoạch rộ lúa hè thu 2021. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên số lượng doanh nghiệp đến thu mua lúa hè thu giảm so cùng kỳ. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
An Giang đề nghị Bộ NN-PTNT hỗ trợ giới thiệu thêm các doanh nghiệp kinh doanh lương thực đến An Giang để kết nối và tiêu thụ ngay lúa hè thu 2021 khi chuẩn bị vào thời điểm thu hoạch tập trung cuối tháng 7/2021. Đồng thời, hỗ trợ An Giang trong việc kết nối tiêu thụ xoài vào quý 4/2021.
Ông Nguyễn Văn Dũng, GĐ Sở NN-PTNT Kiên Giang thì cho biết, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thu hoạch 280.000 ha lúa hè thu, năng suất đạt 5,66 tấn/ha. Hiện tại, lúa hè thu nông dân thu hoạch chưa nhiều và tiêu thụ vẫn ổn. Các mặt hàng nông thủy sản tiêu thụ hơi chậm nhưng giá chưa giảm nhiều. Lý do người dân có tâm lý tích trữ dự phòng, tôm cá có thể để đông, trứng gà vịt tăng giá cục bộ.
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, GĐ Sở NN-PTNT Sóc Trăng, đến thời điểm hiện tại hàng nông sản ở Sóc Trăng chưa ứ đọng. Tuy nhiên, hiện nay có gần 1.000 ha nhãn đang vào thu hoạch và chuẩn bị thu hoạch. Do hiện nay ảnh hưởng nhu cầu tiêu dùng từ TPHCM nên giá giảm và mức tiêu thụ giảm. Hiện nay, Sở NN-PTNT đang phối hợp với các Sở, ngành và các huyện để có phương án tiêu thụ sắp tới.
Vật tư nông nghiệp bị đội giá
Do ảnh hưởng bởi khâu vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch Covid-19 nên ngành hàng vật tư nông nghiệp đang tăng giá nóng. Theo đó tại ĐBSCL thuốc BVTV tăng khoảng 15%, phân bón các loại và thức ăn chăn nuôi tăng từ 50% trở lên.
Nông dân đang gặp khó khăn từ hai phía đầu vào và đầu ra. Nông dân lo lắng vụ lúa thu đông đang xuống giống, phân bón không cung cấp kịp thời cho các giai đoạn sản xuất. Doanh nghiệp thì cho rằng khâu vận chuyển đang gặp rất nhiều khó khăn.
Do ảnh hưởng bởi khâu vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch Covid-19 nên ngành hàng vật tư nông nghiệp đang tăng giá "nóng". Theo đó tại ĐBSCL thuốc BVTV tăng khoảng 15%. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.
Doanh nhân Bích Thủy, TGĐ Tập đoàn An Nông, chia sẻ, là doanh nghiệp đang thời điểm cung ứng nông dược, nước rửa tay, dung dịch sát khuẩn đi các tỉnh thành vùng ĐBSCL cho vụ lúa thu đông và phòng chống dịch nhưng hiện nay gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển hàng hóa.
Cụ thể, thay vì trước đây xe giao hàng của công ty đi về trong ngày thì bây giờ phải mất thêm một ngày nữa cho việc xét nghiệm, kiểm tra. Đồng thời, chi phí kiểm tra test nhanh cho lái xe và phụ xe rất tốn kém, trên xe hai người vị chi hết 700.000 đồng.
“Việc test nhanh thì không ai phản đối, nhưng thời gian sử dụng giấy xác nhận này chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ như có tỉnh áp dụng thì thực sự rất tốn kém và không hiệu quả. Đối với các tỉnh, thành khác áp dụng 3 ngày thì còn sử dụng được hai ngày. Hy vọng Thủ tướng sẽ nhận thấy những khó khăn của doanh nghiệp như hiện nay”, bà Bích Thủy nói.
Nhóm PV ĐBSCL
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.