Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) phát hành Bản tin thị trường nông, lâm, thủy sản số ra ngày 13/7/2021.
Thị trường Nông, lâm, thủy sản thế giới
- Cao su: Đầu tháng 7/2021, giá cao su tại Nhật Bản và Thái Lan giảm, giá tại Trung Quốc tăng. Tuần từ ngày 5/7 – 9/7/2021, tồn kho cao su tự nhiên dựa theo chứng từ tại Sàn giao dịch hàng hóa tương lai Thượng Hải ở mức 174.550 tấn, giảm 100 tấn, tương đương giảm 0,1% so với tuần trước; số liệu tồn kho theo hợp đồng tương lai ở mức 188.160 tấn, tăng 3.872 tấn, tương đương tăng hơn 2% so với tuần trước.
- Cà phê: Đầu tháng 7/2021, giá cà phê robusta trên thị trường thế giới tăng do nguồn cung thiếu hụt; giá cà phê arabica giảm do Brazil bước vào vụ thu hoạch rộ.
- Hạt điều: Sản lượng hạt điều của Ấn Độ niên vụ 2020-2021 sẽ giảm khoảng 51.000 tấn.
- Rau quả: Sản lượng táo của thế giới niên vụ 2020-2021 đạt 75,75 triệu tấn, giảm 3,6 triệu tấn so với niên vụ 2019-2020, do đợt băng giá mùa xuân ảnh hưởng mạnh đến các tỉnh Tây Bắc Trung Quốc. Thái Lan vẫn giữ vị trí là nước xuất khẩu sầu riêng số 1 thế giới.
- Sắn và sản phẩm từ sắn: Đầu tháng 7/2021, giá sắn lát và tinh bột sắn tại Thái Lan ổn định.
- Thủy sản: Sự phục hồi của lĩnh vực dịch vụ thực phẩm sẽ là động lực chính thúc đẩy tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc trong năm 2021. Đầu tháng 7/2021, Cơ quan Hải quan Trung Quốc (GACC) đã ban hành lệnh cấm nhập khẩu thủy sản từ 8 nhà cung cấp thủy sản của Ấn Độ trong thời gian từ 1 đến 9 tuần.
Theo Bộ Thủy sản Indonesia (KKP), trong 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu thủy sản của nước này đạt 2,1 tỷ USD, tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Mỹ tạm áp biên độ thuế chống bán phá giá cao nhất từ năm 2007 đến nay đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ.
- Gỗ và sản phẩm gỗ: Mặc dù thị trường Canada có tiềm năng rất lớn đối với mặt hàng đồ nội thất, nhưng xuất khẩu đồ nội thất của Indonesia vẫn phải đối mặt với tình khan hiếm công-ten-nơ, khiến giá vận chuyển tăng gấp 10 lần trong thời kỳ đại dịch.
Thị trường Nông, lâm, thủy sản trong nước
- Cao su: 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cao su của Việt Nam sang Ấn Độ tăng 66,7% về lượng và tăng 102,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần cao su của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Ấn Độ giảm.
- Cà phê: Giá cà phê robusta trong nước đầu tháng 7/2021 tăng theo giá thế giới. 5 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu cà phê arabica đạt 33,13 nghìn tấn, trị giá trên 90 triệu USD, giảm 24,5% về lượng và giảm 12,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020.
Thị phần cà phê của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Áo tăng từ 3,17% trong quý I/2020 lên 3,85% trong quý I/2021.
- Hạt điều: 5 tháng đầu năm 2021, bất chấp ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, xuất khẩu hầu hết chủng loại hạt điều của Việt Nam tăng so với cùng kỳ năm 2020, trừ chủng loại hạt điều W240 và WS/WB. Thị phần hạt điều của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Anh tăng.
- Rau quả: Trong 6 tháng đầu năm 2021, xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam ước đạt 2,07 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần trái chuối của Việt Nam trong tổng lượng nhập khẩu của Hàn Quốc tăng.
- Sắn và sản phẩm từ sắn: Từ đầu tháng 7/2021 đến nay, giá tinh bột thành phẩm tại Tây Ninh không có nhiều biến động, trong khi nhu cầu tiêu thụ nội địa giảm do dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại các tỉnh miền Nam khiến việc vận chuyển gặp khó khăn và các nhà máy mua cầm chừng.
Giá xuất khẩu bình quân tinh bột sắn của Việt Nam sang hầu hết các thị trường tăng so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần sắn lát và tinh bột sắn của Việt Nam trong tổng nhập khẩu của Trung Quốc giảm.
- Thủy sản: Xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang thị trường Nga tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm 2021, thị phần thủy sản của Việt Nam tính theo lượng trong tổng nhập khẩu của Nhật Bản ổn định so với cùng kỳ năm 2020.
- Gỗ và sản phẩm gỗ: Trong 5 tháng đầu năm 2021, trị giá xuất khẩu mặt hàng đồ nội thất phòng khách và phòng ăn đạt 1,3 tỷ USD, tăng 56,6% so với cùng kỳ năm 2020. Thị phần đồ nội thất bằng gỗ của Việt Nam tăng trong tổng nhập khẩu của Mỹ.
Nguồn: Bộ Công thương
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.