Cho dù là xét trong ngắn hạn hay dài hạn, chúng ta đều có những căn cứ đủ vững chắc để khẳng định, Việt Nam là 'ngôi sao sáng' trên bầu trời thương mại quốc tế. Trong điều kiện như vậy, khi câu chuyện 'siêu chu kỳ' vẫn đang còn tranh cãi thì cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều đã tăng tốc, và một mối lo mới đã lại lộ diện sau năm năm.
Xuất khẩu của Việt Nam đã tăng bình quân 15,02%/năm, gấp gần 5,6 lần so với bình quân của thế giới. Ảnh: N.K
Tăng tốc rất nhanh
Các số liệu thống kê của Liên hiệp quốc vừa công bố cho thấy, cho dù thương mại quốc tế bị chao đảo dữ dội trong những năm gần đây, Việt Nam vẫn liên tục có những đóng góp rất tích cực, cho nên vị thế rất nhanh chóng được nâng cao.
Với 215 tỷ đô la Mỹ, năm 2017 Việt Nam còn xếp thứ 27 trong làng xuất khẩu thế giới với 7 quốc gia đứng liền kề trên lần lượt là Ấn Độ, Thái Lan, Ba Lan, Úc, Ảrập Saudi, Malaysia và Brazil. Sang các năm 2018-2019 kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam lần lượt vượt qua Brazil, Ảrập Saudi, Thái Lan và Malaysia.
Tiếp theo, đến năm 2020 tiếp tục vượt lên trên Ấn Độ, Ba Lan và Úc để lọt vào tốp 20 quốc gia xuất khẩu hàng hóa nhiều nhất thế giới.
Xét dưới góc độ đóng góp vào “rổ hàng hóa xuất khẩu” của thế giới, trong khi đóng góp của đa số các quốc gia đều giảm, làm cho xuất khẩu hàng hóa của thế giới năm 2020 giảm 160 tỷ đô la Mỹ và 0,9% so với năm 2017, thì xuất khẩu của Việt Nam tăng gần 68 tỷ đô la và 0,4%.
Các mức tăng này của Việt Nam đều đứng thứ hai thế giới chỉ sau Trung Quốc.
Ở đầu vào nhập khẩu, vai trò động lực thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển của chúng ta cũng không hề nhỏ.
Với 213 tỷ đô la, năm 2017 Việt Nam xếp thứ 25 trong những quốc gia nhập khẩu lớn nhất, với 6 quốc gia đứng liền kề trên lần lượt là UAE, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Ba Lan, Úc và Thái Lan. Đến năm 2020 Việt Nam đã tăng tốc, vượt qua, để trở thành nền kinh tế nhập khẩu lớn thứ 19 của thế giới.
Ở góc độ đóng góp vào rổ hàng hóa nhập khẩu của thế giới, trong khi đa số các quốc gia khác giảm, nhập khẩu của Việt Nam đã tăng gần 50 tỷ đô la và 0,29%. Các mức tăng này cũng đứng thứ hai thế giới sau Trung Quốc.
Các số liệu thống kê cũng của Liên hiệp quốc cho thấy, tính từ thời điểm Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đến nay xuất khẩu đã tăng bình quân 15,02%/năm, gấp gần 5,6 lần so với bình quân của của thế giới.
Thành tích xuất khẩu của Việt Nam những năm qua nhờ rất lớn vào thị trường Mỹ. Năm 2020, trong 38,93 tỷ đô là xuất khẩu tăng thêm so với năm 2018, riêng thị trường Mỹ đã chiếm 75,9%, thị trường Trung Quốc chiếm 19,4%.
Còn nhập khẩu lại hầu như ngược lại. Trong tổng mức tăng nhập khẩu 25,82 tỷ đô la, nhập từ Trung Quốc đã chiếm 72,3%.
Hạng sẽ còn tăng, nhưng mối lo nhập siêu đang trở lại
Năm 2020 Việt Nam xuất siêu 19,94 tỷ đô la và đây là đỉnh cao trong lịch sử ngoại thương của nước ta.
Với đặc thù của rổ hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, khi giá cả thế giới tăng thì rổ hàng hóa nhập khẩu sẽ bị “khuyếch đại” mạnh hơn so với rổ hàng hóa xuất khẩu, ngược lại so với thời đoạn giá cả thế giới giảm trước đó.
Điều đó cũng đồng nghĩa mối lo nhập siêu đang lấp ló ở phía chân trời.
Thế nhưng, trong điều kiện giá cả thế giới tăng mạnh cho tới thời điểm này, cán cân thương mại của Việt Nam đã chuyển hướng rất rõ ràng. Mức xuất siêu qua các tháng trong 4 tháng đầu năm nay đã co lại, từ 2,1 tỷ đô la đạt được trong tháng 1, sau 4 tháng đầu năm chỉ còn 1,63 tỷ đô la. Còn qua 5 tháng đầu năm, nước ta đã chuyển sang nhập siêu 369 triệu đô la.
Với đặc thù của rổ hàng hóa xuất, nhập khẩu của Việt Nam hiện nay, khi giá cả thế giới tăng thì rổ hàng hóa nhập khẩu sẽ bị “khuyếch đại” mạnh hơn so với rổ hàng hóa xuất khẩu, ngược lại so với thời đoạn giá cả thế giới giảm trước đó. Điều đó cũng đồng nghĩa mối lo nhập siêu đang lấp ló ở phía chân trời.
Cụ thể, các kết quả tính toán về xuất, nhập khẩu các mặt hàng có các số liệu thống kê về lượng và giá trị 4 tháng qua cho thấy, ở thời điểm này năm ngoái, chúng ta tuy bị thua thiệt về giá 1,13 tỷ đô la trong xuất khẩu nhóm hàng này, cho nên kim ngạch giảm 6,9%, nhưng được lợi 2,54 tỷ đô la trong nhập khẩu nhóm hàng tương tự, cho nên kim ngạch giảm 7,1%.
Nhưng, ở thời điểm hiện tại, dù chúng ta được lợi 1,44 tỷ đô la trong xuất khẩu do giá tăng, nhưng lại bị thiệt tới 3,75 tỷ đô la trong nhập khẩu, nên kim ngạch nhập khẩu tăng khủng tới 40,2%.
Cho dù giá cả thế giới trong thời gian tới không tiếp tục tăng, nhưng có nhiều khả năng sẽ còn duy trì ở mức cao, thì nó sẽ còn tiếp tục khiến rổ hàng hóa nhập khẩu của nước ta bị “khuyếch đại” nhiều hơn rổ hàng hóa xuất khẩu.
Trong điều kiện như vậy, rất có thể năm nay Việt Nam sẽ khôi phục được nhịp độ tăng trưởng xuất, nhập khẩu rất cao như trước đây, nên còn tiếp tục được thăng hạng, nhưng lại khó duy trì được mạch xuất siêu 5 năm liên tiếp vừa qua và lạm phát sẽ lại tăng. Còn tác dụng thúc đẩy kinh tế tăng trưởng yếu hơn sẽ chỉ là những hệ quả tất yếu.
Nguyễn Đình Bích
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.