Trong câu chuyện tiêu thụ nông sản, đặc biệt là ở thị trường nội địa, trong vùng dịch nói riêng và cả nước nói chung, xét trong bối cảnh dịch Covid-19 còn phức tạp, chắc chắn không thể chỉ là công việc của Bộ Công Thương mà cần sự chung tay của các bộ, ngành chức năng cùng sự chủ động ở phía các địa phương, hiệp hội cũng như doanh nghiệp.
Năm nay khi dịch Covid-19 tái xuất nguy hiểm hơn, bài toán tiêu thụ nông sản xuất hiện nhiều ẩn số mới, đòi hỏi những quyết sách mới từ các cơ quan quản lý. Nhưng cũng chính từ gian khó, câu trả lời đã trở nên rõ ràng, thị trường nội địa phải lĩnh “ấn” tiên phong bằng sự dồn tổng lực các giải pháp quản lý.
Với trách nhiệm quản lý nhà nước lâu nay, Bộ Công Thương đã có những không ít những nỗ lực để giải quyết một cách căn cơ những câu chuyện vốn được xem là “kinh điển” như: cung làm sao để gặp cầu, nắm cho chính xác cho dù tổng thể sản lượng rồi kết nối thị trường nội địa và cùng đó là kết nối thị trường nội địa với mục đích cao nhất là tạo thị trường cả trong nước lẫn nước ngoài một cách tốt nhất, phù hợp nhất.
Tất cả đều nhằm đem lại một diện mạo mới cho nông sản Việt Nam theo hướng hình thành các chuỗi giá trị, đẩy mạnh truy xuất nguồn gốc, chuyên nghiệp ngay từ thị trường nội địa.
Trong bối cảnh Covid-19 có thể buộc chúng ta phải thay đổi tư duy quản lý thì đó là điều cần phải được đặt ra một cách ráo riết, cái gì làm được thì phải làm ngay. Đó là tư duy điều hành cả trước đây cũng như trong những ngày này của Bộ Công Thương, từ lãnh đạo Bộ đến lãnh đạo các cục, vụ chức năng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo, chúng ta dồn tổng lực phòng, phòng chống dịch Covid-19 thì bên cạnh việc dập cho được các ổ dịch thì cũng dồn tổng lực cho sản xuất phát triển, ở đây đương nhiên là có cả tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân cũng như bảo đảm “sáng đèn” cho các chuyền sản xuất tại khu, cụm công nghiệp trên phạm vị cả nước.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Bộ NN & PTNT Lê Minh Hoan thăm vùng vải thiều Thanh Hà (Hải Dương)
Tất nhiên, đây là một công việc đòi hỏi sự có mặt, phối hợp nhịp nhàng của nhiều bộ, ngành, địa phương và cả các hiệp hội ngành hàng. Dịch bệnh Covid-19 đã bước sang năm thứ hai với mức độ phức tạp hơn, còn nguy hiểm hơn. Và đây cũng chính là lúc với vai trò một bộ quản lý đa ngành, Bộ Công Thương đã vào cuộc vẫn với tâm thế chủ động, quyết liệt, nhưng là chủ động hơn, quyết liệt hơn và trên thực tế đã dồn tổng lực các đơn vị vào cuộc, tạo niềm tin trên thị trường, một yếu tố rất quan trọng thể hiện rõ vai trò quản lý của Nhà nước.
Một sự khẳng định nỗ lực đó là tại Chỉ thị số 08/CT – BCT, ngày 25/5/2021, lãnh đạo Bộ Công Thương đã yêu cầu các đơn vị của Bộ phối hợp chỉ đạo, hỗ trợ hệ thống phân phối (truyền thống và hiện đại) tăng lượng tiêu thụ nông sản an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong hệ thống từ 2 lần trở lên so với năm cao nhất.
Điều này đã cho thấy ưu tiên của Bộ Công Thương khi nhấn mạnh vai trò quyết định của thị trường trong nước trong tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân để từ đó đem lại hình ảnh mới mang tính căn cơ hơn cho thị trường nội địa, thay vì cứ mãi mang vai trò “thị trường giải cứu” như lâu nay.
Một điểm đặc biệt, khác với các chỉ đạo trước đây của Chỉ thị 08 của Bộ Công Thương là đặt ưu tiên cao cho việc tạo thuận lợi cho lưu thông nông sản bằng một loạt các giải pháp cụ thể mà ở đó xác định rõ đơn vị thuộc Bộ đứng ra chủ trì, đầu mối.
Đáng chú ý, nhiều giải pháp một mặt kế thừa được những kinh nghiệm rút ra từ các đợt chống dịch lần trước, một mặt đặt ra những yêu cầu cao hơn, ráo riết hơn trong việc tạo dòng chảy nông sản được liên tục từ chân ruộng đến thị trường trong nước và xuất khẩu, đến với người dùng cả nước cũng đã được ngành Công Thương "vào trận".
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang để tìm ra các giải pháp tiêu thụ hàng hóa, song hành tiếp tục hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn
Đặc biệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và lãnh đạo Bộ Công Thương, lãnh đạo các đơn vị chức năng nhiều lần khẳng định tại các buổi làm việc trực tiếp cũng như trực tuyến với những địa bàn lớn về nông sản của cả nước như Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương và Sơn La, tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân là “ưu tiên hàng đầu của các đơn vị thuộc Bộ Công Thương”.
Thêm nữa là những hình thức vận động hiện đại của thị trường cũng đã được ngành Công Thương đặt ra trong Chỉ thị 08. Có thể nói chưa khi nào người tiêu dùng cả nước lại có điều kiện tiếp cận trực tuyến nhiều đến thế với các nông sản trong nước qua các sàn tiêu thụ thương mại điện tử.
Có cả những “ông lớn” bán hàng trên mạng nước nước ngoài cũng đã được kéo vào cuộc như Alibaba, Amazon bên cạnh các sàn thương mại điện tử trong nước như Lazada, Tiki, Shopee, Sendo. Không chỉ dừng lại ở đó Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh phân phối nông sản qua kênh livestream trên các nền tảng số.
Nỗ lực vào cuộc tiêu thụ nông sản bà con nông dân của Bộ Công Thương còn thể hiện với việc lực lượng quản lý thị trường- tuyến đầu trong chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng nhái.... cũng đã lên kế hoạch triển khai hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho vùng dịch.
Cụ thể, trong sáng ngày 30/5, 2,5 tấn vải của Bắc Giang đã được lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Hoà Bình phối hợp với doanh nghiệp bán hết trong vòng vài giờ. Đây là chuyến hàng đầu tiên được Đội QLTT số 3, Cục QLTT Hòa Bình triển khai nhằm thực hiện theo chỉ đạo của Tổng cục QLTT tại Quyết định số 1590/QĐ-TCQLTT về triển khai hỗ trợ các biện pháp tiêu thụ nông sản cho bà con nông dân theo tinh thần của Chỉ thị số 08/CT-BCT.
Bên cạnh việc vận chuyển vải thiều về tiêu thụ tại địa bàn Hòa Bình, tận dụng chuyến xe, lực lượng QLTT cũng sẽ đưa nông sản của Hòa Bình đến điểm phân phối tại vùng dịch Bắc Giang. Theo kế hoạch, mô hình này sẽ được triển khai và nhân rộng tại nhiều tỉnh thành nhằm hỗ trợ nông dân tại vùng dịch tiêu thụ nông sản mùa vụ trong điều kiện xuất khẩu gặp khó do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Những ngày này, ngành Công Thương, từ Bộ trưởng đến công chức, viên chức tại địa phương, trên thị trường, ngoài cửa khẩu, xa hơn là các thương vụ ngoài nước đều kéo dài thêm những giờ làm việc của mình, thêm hiệu quả cho những nỗ lực kết nối thị trường, bảo đảm thông suốt dòng chảy nông sản, tìm thêm các đối tác.
Trên cương vị tư lệnh ngành, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã trực tiếp có các buổi làm việc, điện đàm với đại sứ, bộ trưởng một số nước đối tác của Việt Nam mà ở đó, câu chuyện tiêu thụ nông sản cũng đã được nêu lên.
Nhiều chuyên gia cho rằng, những giải pháp nêu trong Chỉ thị 08/ CT – BCT của Bộ Công Thương một khi được thực hiện tốt sẽ không chỉ giúp xóa hẳn tâm lý “giải cứu”, mà xét trên dài hạn, có thể tạo những xung lực mới, tạo sự thống nhất, liên thông, nhất là thị trường trong nước.
(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)
Quang Lộc
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.