Liên kết xúc tiến tạo sức lan tỏa cho sản phẩm OCOP

Thời gian qua, các sản phẩm đạt tiêu chuẩn Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã phát huy lợi thế của các sản phẩm vùng miền, gắn với thế mạnh như lúa gạo, trái cây, thủy sản, du lịch sinh thái... từng bước hình thành chuỗi liên kết bền vững.

Sản phẩm OCOP khẳng định thương hiệu

Hiện vùng ĐBSCL có số lượng sản phẩm OCOP đứng thứ 3 cả nước, với 375 sản phẩm, chiếm 17,3%, trong đó số lượng sản phẩm đạt 3 sao chiếm gần 62,7% và 33% sản phẩm 4 sao.

Góp thêm cho sự phong phú các sản phẩm OCOP của vùng, từ đầu năm 2021 đến nay Cần Thơ đã tổ chức đánh giá xếp hạng và công bố 19 sản phẩm OCOP, gồm 5 sản phẩm 4 sao và 14 sản phẩm 3 sao của các cơ sở sản xuất, DN, hộ dân và hợp tác xã. Mới đây, Hội đồng đánh giá và xếp hạng OCOP thành phố đã đánh giá và xếp hạng cho 7 sản phẩm OCOP trên địa bàn. Kết quả hai sản phẩm da cá chiên giòn vị trứng muối và da cá chiên giòn vị tomyum của Công ty CP Thực phẩm VIDACA là sản phẩm OCOP xếp hạng 5 sao đầu tiên ở Cần Thơ.

Trong 6 tháng/2021 tỉnh Tiền Giang cũng thống nhất đánh giá các sản phẩm đạt yêu cầu, tiêu chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh đối với 24 sản phẩm (trong đó, có 3 sản phẩm đạt 3 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao). Tính đến nay, tỉnh Tiền Giang có 29/53 sản phẩm đã được đánh giá đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, có 10 sản phẩm đạt 3 sao, 19 sản phẩm đạt 4 sao đến từ 16 chủ thể kinh tế. Kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh là cơ sở đề xuất UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP đối với sản phẩm đạt 3 sao, 4 sao và đề xuất các sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao tham dự đánh giá công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia.

Các sản phẩm OCOP được trưng bày, tiếp thị, phân phối tại siêu thị Tứ Sơn - An Giang

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT An Giang - Trương Kiến Thọ - đến nay, An Giang có 49 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP. Trong đó có 11 sản phẩm đạt 4 sao và 38 sản phẩm đạt 3 sao) và có 5 sản phẩm đã đề xuất Trung ương đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP 5 sao - cấp Quốc gia. Các sản phẩm được chứng nhận OCOP chủ yếu thuộc nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược, thủ công mỹ nghệ, trang trí.

Các chủ thể sản xuất đã quan tâm phát huy các sản vật và tiềm năng, lợi thế tại địa phương và vùng ÐBSCL để phát triển các sản phẩm OCOP, góp phần phát triển kinh tế nông thôn và tạo công ăn việc cho nhiều người lao động địa phương. Để đạt hiệu quả cao trong phát triển sản phẩm OCOP, các địa phương và tổ chức, cá nhân có liên quan phải chú trọng các sản phẩm OCOP phải đảm bảo vấn đề về an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý, cũng như đảm bảo nguồn gốc về nguyên liệu làm ra sản phẩm và phải sử dụng lao động tại địa phương - ông Nguyễn Ngọc Hè - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Cần Thơ - đánh giá.

Liên kết quảng bá, xúc tiến tìm đầu ra cho sản phẩm OCOP

Hiện nay, vấn đề đầu ra cho sản phẩm OCOP hiện nay vẫn là thách thức lớn đối với các địa phương. Ðể khơi thông đầu ra cho các sản phẩm OCOP, trong những năm qua các tỉnh, thành khu vực ÐBSCL đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại như: Tổ chức hội chợ về sản phẩm OCOP, ký kết ghi nhớ hợp tác giữa các chủ thể OCOP và các hệ thống siêu thị như Central Retail, Saigon Co.op, Mega Market... và một số siêu thị địa phương.

Tuy nhiên, vấn đề tiêu thụ sản phẩm cũng đang là bài toán khó khi tiêu thụ bấp bênh, xác định rõ thị trường chiến lược. Cùng đó, do tác động dịch bệnh, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối DN với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì thế, để khơi thông đầu ra, các địa phương đã chú trọng tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, mở các trung tâm tiêu thụ trực tiếp sản phẩm tại các thành phố lớn.

Đi tiên phong trong việc này là tỉnh Đồng Tháp đã mở trung tâm giới thiệu và trực tiếp tổ chức thương mại sản phẩm OCOP tại Hà Nội từ tháng 6/2020. Từ thành công này, tỉnh Ðồng Tháp đã có ý tưởng xây dựng liên kết cấp vùng để đưa sản phẩm OCOP của 13 tỉnh, thành ÐBSCL đến thị trường tiềm năng đối với các mặt hàng đặc sản đạt chứng nhận OCOP.

Theo đó, Trung tâm giới thiệu ẩm thực - du lịch - đặc sản Ðồng Tháp và các tỉnh ÐBSCL (The Mekong Connect)… chính thức ra mắt tại Vinpearl Grand World Phú Quốc vào cuối tháng 4/2021. Trung tâm sẽ thực hiện các hoạt động quảng bá và tìm đầu ra cho các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP của 13 tỉnh, thành ÐBSCL. Đây cũng là nơi tập trung thu hút nhiều du khách trong nước và quốc tế sẽ tạo cơ hội quảng bá tiếp thị hiệu quả.

“Bên cạnh việc đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm OCOP, tạo nhận diện sản phẩm từ logo, slogan, bao bì, nhãn mác, kiểu dáng sản phẩm, chất lượng... thì việc liên kết, kết nối thực hiện các hoạt động quảng bá, giới thiệu các sản phẩm OCOP tại các tỉnh thành theo hướng chuyên nghiệp sẽ tạo hiệu ứng tiếp thị, sức lan tỏa thương hiệu tốt hơn trên quy mô rộng” - bà Nguyễn Thị Kiều Duyên - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Hội chợ triển lãm Cần Thơ - thông tin.

Thanh Thanh


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn