Giá heo hơi của Trung Quốc đã giảm trong hơn 20 tuần, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ, nước cung cấp đậu nành lớn nhất của Trung Quốc, dự kiến xuất khẩu kỷ lục khoảng 36 triệu tấn sang Trung Quốc trong năm 2021.
Giá thịt heo tại Trung Quốc giảm mạnh. Ảnh: Global Times
Theo các nhà phân tích, giá thịt heo tại Trung Quốc giảm có thể hạn chế nhu cầu về nguồn thức ăn cho loài vật này, vốn chủ yếu làm từ đậu nành từ các nước như Mỹ.
Giá heo hơi của Trung Quốc giảm trong hơn 20 tuần, giảm 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc (NDRC) đưa ra cảnh báo về giá heo hơi "giảm quá mức" trên trang web chính thức tuần trước. Thông điệp của cảnh báo là nhắc nhở người chăn nuôi sắp xếp sản xuất và vận hành một cách khoa học để duy trì năng lực chăn nuôi ở mức hợp lý.
Để thúc đẩy hoạt động của thị trường heo, NDRC cho biết họ sẽ làm việc với các cơ quan liên quan, giám sát chặt chẽ sản lượng heo sống và xu hướng thị trường. Đồng thời, cơ quan này sẽ tiến hành điều chỉnh nguồn dự trữ kịp thời.
Wang Zuli, nhà nghiên cứu tại Viện Kinh tế và Phát triển Nông nghiệp thuộc Học viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc, nói với Global Times: “Giá heo bị ảnh hưởng khi sản lượng tăng lên sau khi dịch tả heo châu Phi bùng phát và các động thái của chính phủ để bổ sung dự trữ thịt heo”.
Giá giảm làm nông dân tổn thất nặng nề. Một nông dân tên Li Yunlong chia sẻ rằng giá heo giảm nhưng chi phí chăn nuôi tăng.
“So với đầu năm, chi phí thức ăn tăng 30%, trong khi giá lợn trên thị trường giảm 60%”, ông Li cho biết.
Ông Li tiết lộ thêm, ông lỗ khoảng 800 nhân dân tệ (124,3 USD)/con. Nếu tiếp tục nuôi, ông sẽ lỗ thêm.
Nhà nghiên cứu Wang cho rằng tình trạng giá thấp có thể vẫn tiếp diễn và Trung Quốc có thể giảm mua đậu nành trong bối cảnh triển vọng còn mờ mịt.
Là nước tiêu thụ đậu nành lớn nhất thế giới, nhập khẩu mặt hàng này của Trung Quốc vẫn ở mức cao trong 5 tháng đầu năm. Từ tháng 1 đến tháng 5, nhập khẩu đậu nành của Trung Quốc đạt 38,2 triệu tấn, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Mỹ, nước cung cấp đậu nành lớn nhất của Trung Quốc, dự kiến xuất khẩu kỷ lục khoảng 36 triệu tấn sang Trung Quốc trong năm 2021, khi thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn hiệu lực.
Tuy nhiên, do nhu cầu giảm nên theo ông Wang nhập khẩu đậu nành sẽ giảm trong một thời gian nhất định.
Các nhà sản xuất thịt heo và thức ăn hàng đầu ở Trung Quốc cũng sử dụng ít khô dầu đậu nành hơn để giảm sự phụ thuộc vào nhập khẩu theo lời kêu gọi của nhà chức trách.
Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc ban hành thông báo vào tháng 3 kêu gọi các công ty giảm hàm lượng đậu nành và ngô trong thức ăn chăn nuôi.
Qin Yinglin, chủ tịch Muyuan Foods Co - công ty thịt heo hàng đầu Trung Quốc, cho biết tại hội nghị gần đây rằng công ty đề xuất chế độ ăn ít protein cho ngành chăn nuôi heo. Bởi thực tế mức tiêu thụ khô dầu đậu nành làm thức ăn cho heo "vẫn còn quá cao" ở Trung Quốc .
Đỗ Lan (Theo Global Times)
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.