Tình hình thị trường lúa gạo ngày 2/5/2021



* Dù thị trường biến động, lúa gạo chất lượng cao ít rủi ro và luôn có lợi thế cạnh tranh số 1 của Việt Nam.

* 4 tháng đầu năm nay, Campuchia báo đã xuất khẩu 1.529.280 tấn lúa sang Việt Nam ?

+ Các nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp cảnh báo, sản xuất lúa ở ĐBSCL đang đối diện những thách thức mới trong điều kiện nước ta hội nhập quốc tế sâu rộng, biến đổi khí hậu (BĐKH) cực đoan, và qui mô sản xuất nhỏ.

Theo đó, xây dựng nền sản xuất lúa gạo nước ta vừa thích ứng BĐKH vừa ổn định sản xuất, năng suất, sản lượng nhắm vào mục tiêu đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu trên 6 triệu tấn/năm.

Ở các địa phương vùng ven biển bắt đầu có nhiều mô hình canh tác ở vùng nước lợ, mặn lại hiệu quả cao. Nhiều giống lúa chịu mặn đưa vào sản xuất đạt kết quả. Đặc biệt ở 2 tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu mở rộng mô hình sản xuất “lúa thơm - tôm sạch”. Giống lúa ST24, ST25 đạt phẩm chất gạo ngon nhất thế giới, có giá trị xuất khẩu cao được nông dân sản xuất ngày càng nhiều trên cánh đồng chuyển đổi tôm - lúa.

Đến nay ở các tỉnh ven biển Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cà Mau, Kiên Giang có diện tích chuyển đổi theo mô hình luân canh lúa - tôm bền vững lên đến 200.000 ha, tăng gấp 3 lần so với năm 2000.

Trong bối cảnh thị trường lúa gạo chuyển đổi từ “ăn no” sang chuộng gạo ngon, cơm thơm hơn. Lúa gạo sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, gạo giàu hàm lượng dinh dưỡng. Trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới đã nhanh chóng chuyển hướng, tiếp cận theo xu hướng mới, đáp ứng theo nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: Có thể nhận thấy dấu mốc từ sau năm 2000 đã có sự chuyển đổi rõ rệt trong chọn giống lúa sản xuất theo yêu cầu thị trường. Nhiều địa phương ở ĐBSCL bắt đầu giảm dần tỷ lệ sản xuất nhóm giống lúa cho phẩm chất gạo trung bình chuyển sang tăng diện tích gieo trồng nhóm lúa chất lượng cao. Từ nhóm giống lúa thơm nhẹ đến lúa thơm đặc sản có giá trị cao hơn.

Điểm lại trong 10 năm qua sản xuất lúa gạo hàng hóa các giống lúa thơm đặc sản từ 25% đã tăng lên 30-40%. Các giống lúa chất lượng cao đáp ứng thị trường xuất khẩu chiếm tỷ trọng trong sản xuất vượt lên từ 30% đến 40-45%. Một số giống lúa cho năng suất cao nhưng phẩm chất gạo trung bình giảm còn 15-20%.

Trong bối cảnh mới thị trường chuyển đổi, sản xuất lúa gạo ở nước ta đã qua thời đoạn sản xuất lúa năng suất cao, chất lượng gạo trung bình. Hiện thời gạo Việt chất lượng cao đã vượt lên đạt giá trị cao hơn với mức 500 USD/tấn. Trong khi đó gạo chất lượng trung bình của Ấn Độ bán 350 USD/tấn.

Vùng ĐBSCL sản xuất lúa gạo quanh năm, trong đó xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng gạo xuất khẩu cả nước. Tầm nhìn mới chuyển đổi sản xuất lúa gạo đặt trọng tâm đảm bảo an ninh lương thực, tái cơ cấu ngành hàng lúa gạo và cơ cấu giống lúa sản xuất thích ứng biến đổi khí hậu.

Thực tế những năm gần đây, quan sát, ghi nhận phản hồi từ các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo: Dù thị trường biến động, lúa gạo chất lượng cao ít rủi ro và luôn có lợi thế cạnh tranh số 1 của Việt Nam.

Các nhà khoa học nghiên cứu lúa gạo nhận định: “Nếu muốn hướng đến nâng cao giá trị hạt gạo chúng ta phải tham gia vào phân khúc thị trường gạo ngon cao cấp và chấp nhận cạnh tranh với một vài nước đang giữ thế độc quyền. Phân khúc thị trường loại gạo này tuy không lớn, số lượng bán ít nhưng giá trị hạt gạo nâng cao”.

Các nhà chọn tạo giống Viện Lúa ĐBSCL cho biết: Trong vòng 10 năm tới sẽ đưa ra thị trường các giống lúa mới, tiếp tục nâng cao chất lượng gạo. Nghiên cứu chọn tạo giống mới có sự phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), đáp ứng theo từng phân khúc gạo trên thị trường. Đồng thời phục tráng một số giống lúa đặc sản địa phương đáp ứng yêu cầu xây dựng vùng lúa chuyên canh.

+ Báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, lượng gạo xuất khẩu của nước này từ tháng 1 đến tháng 4 đã giảm 36% so với cùng kỳ năm 2020.

Theo đó, tổng cộng mới có 192.495 tấn gạo các loại được xuất khẩu, thu về hơn 161,69 triệu USD.

Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Campuchia, chiếm 54,42% tổng lượng gạo xuất khẩu. Các thị trường tiếp theo là khối 20 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu, bốn quốc gia trong khối ASEAN và 18 nước và vùng lãnh thổ khác.

Báo cáo cho biết trong bốn tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu 1.529.280 tấn thóc sang nước láng giềng Việt Nam, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính riêng các lô hàng này đã tạo ra hơn 221 triệu USD.

Nguồn: Ton Ba Tuong


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn