Kiên quyết chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng cạn

Để ứng phó với khô hạn vụ hè thu 2021, Bình Định kiên quyết chuyển đổi, giảm diện tích lúa, tăng diện tích cây trồng cạn để giảm áp lực nước tưới.

Vụ hè thu 2021, Bình Định có kế hoạch sản xuất 41.803 ha lúa; 3.584 ha bắp (ngô), 1.779 ha đậu phụng (lạc), 2.513 ha mè (vừng); 5.166 ha rau đậu các loại.

Bên cạnh đó, Bình Định còn chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, mùa vụ, toàn tỉnh phấn đấu chuyển 4.452 ha đất sản xuất lúa không chủ động nước tưới sang trồng các loại cây trồng cạn để vừa làm giảm áp lực về nước tưới, vừa tăng thu nhập cho nông dân.

Nông dân Bình Định hối hả xuống đồng triển khai sản xuất vụ hè thu 2021. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Riêng huyện Phù Mỹ, địa phương thường xuyên bị tác động bởi hạn hán trong vụ hè thu, công tác phòng chống hạn được triển khai ngay đầu vụ. Theo ông Trần Minh Tuấn, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ, sau khi kiểm tra, tính toán lại nguồn nước tưới và dự lường nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tưới vụ hè thu, Phù Mỹ đã lên kế hoạch điều chỉnh kế hoạch sản xuất theo hướng giảm diện tích lúa từ 4.770 ha xuống còn 4.200 ha; tăng diện tích cây trồng cạn từ 1.800 ha lên trên 4.000 ha.

Để giảm thời gian cây lúa đứng trên đồng, ngành nông nghiệp huyện Phù Mỹ hướng dẫn nông dân sử dụng các giống lúa trung và ngắn ngày, như: Khang Dân đột biến, ĐV108, Q5, TBR1... Các giống đậu phụng L14, TB21, HL25 và các giống bắp PAC339, PAC999, PAC 789 đã khẳng định được năng suất và hiệu quả kinh tế tiếp tục lựa chọn đưa vào sản xuất vụ hè thu.

Anh Trần Văn Thắng ở thôn Vạn An, xã Mỹ Châu (huyện Phù Mỹ), chia sẻ: Trước đây, cánh đồng thôn Vạn An được bà con trồng lúa, nhưng do không đảm bảo nước tưới nên năng suất lúa thấp. Có vụ gặp nắng hạn, lúa chưa đến kỳ trổ bông đã bị khô héo, phải cắt về cho bò ăn.

Từ năm 2020 đến nay, toàn bộ diện tích đất lúa không chủ động được nước tưới đã được chuyển sang sản xuất cây trồng cạn. Riêng gia đình anh đã chuyển hết 8 sào đất lúa (500 m2/sào) sang trồng 4 sào bắp, 3 sào đậu phụng, 1 sào khổ qua và đóng giếng lấy nước ngầm tưới cây.

Sản xuất nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích, lại chủ động hoàn toàn việc chăm sóc, nước tưới nên hiệu quả cao hơn nhiều so với độc canh cây lúa.

Vụ hè thu năm nay Bình Định triển khai mạnh tưới nước hợp lý để tiết kiệm nước tưới. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Theo ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, nguồn nước tưới tại các công trình thủy lợi trên địa bàn huyện cộng với nguồn nước bổ sung từ hồ Hội Sơn (huyện Phù Cát) có thể đảm bảo nước tưới cho 4.770 ha lúa và 1.800 ha cây trồng cạn. Tuy nhiên, thời tiết nắng nóng kéo dài sẽ làm thiếu hụt nước tưới, gây thiệt hại cho sản xuất, vì vậy, chính quyền huyện yêu cầu nông dân không sản xuất ngoài diện tích nói trên.

Huyện cũng yêu cầu các địa phương chuẩn bị máy bơm nước và các đơn vị quản lý hồ chứa điều tiết nguồn nước hợp lý. Bên cạnh đó, vận động nông dân đóng giếng để sẵn sàng chống hạn. Địa phương này cũng trích kinh phí hỗ trợ nông dân thực hiện công tác phòng chống hạn. Các HTX nông nghiệp củng cố tổ, đội thủy nông dẫn nước vào nội đồng, hạn chế nước thất thoát.

“UBND huyện yêu cầu ngành chức năng kiểm tra, giám sát diện tích sản xuất tại các địa phương, không để nông dân tự ý xé rào quy hoạch sản xuất. Bên cạnh đó, chúng tôi chủ động phối hợp với Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định xây dựng lịch tưới, phương pháp tưới hợp lý”, ông Hồ Ngọc Chánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ cho biết.

Huyện Phù Cát (Bình Định) cũng thường xuyên bị hạn hán nên địa phương này cũng chủ động công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong vụ hè thu năm nay. Theo ông Lương Văn Khoa, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phù Cát, ngoài 6.158 ha lúa, nông dân trên địa bàn huyện chủ động chuyển 1.306 ha đất sản xuất lúa không chủ động được nước tưới sang làm đậu phụng, mè, bắp; chuyển 280 ha đất sản xuất 3 vụ lúa/năm sang 2 vụ.

Nhiều diện tích sản xuất lúa không chủ động nước tưới ở Bình Định được chuyển sang canh tác các loại cây trồng cạn. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Ngành nông nghiệp huyện hướng dẫn nông dân canh tác xen canh, luân canh, áp dụng giải pháp tưới nước hợp lý nhằm làm giảm áp lực nước tưới, hạn chế rủi ro và tăng giá trị trên cùng một đơn vị diện tích.

Dự lường thời tiết nắng nóng, sâu bệnh sẽ phát sinh mạnh, huyện tăng cường tập huấn, hướng dẫn nông dân quy trình đầu tư chăm sóc, bảo vệ cây trồng theo phương pháp “4 đúng”; sử dụng đúng loại phân bón và thuốc BVTV, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách...

Các huyện Tuy Phước, Hoài Ân, Tây Sơn... cũng linh hoạt điều chỉnh thời vụ, cơ cấu giống phù hợp với điều kiện thời tiết và đất đai ở từng địa phương để giành thắng lợi vụ hè thu.

“Thời tiết vụ hè thu thường nắng nóng gay gắt kéo dài, nguồn nước tại các hồ chứa sẽ bốc hơi nhanh. Để né hạn, đảm bảo cho cây trồng phát triển tốt, đạt năng suất cao, không ảnh hưởng đến vụ sản xuất sau, ngành nông nghiệp tỉnh và các địa phương triển khai vụ hè thu ngay sau khi kết thúc vụ đông xuân 2020-2021; bố trí các giống lúa trung ngày và ngắn ngày, duy trì cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu gắn với chuỗi liên kết”.

(Bà Nguyễn Thị Tố Trân, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định).


Vũ Đình Thung


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn