Chuyên gia Rabobank chỉ ra bức tranh đối lập của nhập khẩu tôm ở Trung Quốc và Mỹ

Từ tháng 7/2020, Trung Quốc nhập khẩu tôm ít hơn rất nhiều, gần bằng một nửa mức năm 2019.
Cả khối lượng và giá trị nhập khẩu tôm vào Mỹ đều tăng.

Bức tranh nhập khẩu tôm ở thị trường Trung Quốc và Mỹ đối lập trong thời gian vừa qua. 

Ông Gorjan Nikolik, nhà phân tích thủy sản cấp cao tại Rabobank, nhận định về bức tranh nhập khẩu tôm ở hai thị trường Trung Quốc và Mỹ trong thời gian vừa qua, theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Chuyên gia đến từ Radobank - tập đoàn đa quốc gia của Hà Lan chuyên về phát triển nông nghiệp, thực phẩm - cho hay Trung Quốc và Mỹ là hai bức tranh đối lập về nhập khẩu tôm trong một năm đầy biến động vì Covid-19.

Theo ông Nikolik, từ tháng 7/2020 trở đi, Trung Quốc nhập khẩu tôm ít hơn rất nhiều, gần bằng một nửa mức của năm 2019. 

Nhập khẩu trong quý 4/2020 giảm: tháng 11 xuống còn 38.000 tấn, so với mức 78.000 tấn cùng kỳ năm trước. Con số của tháng 12 là 49.800 tấn, so với 97.000 tấn cùng kỳ. Tính chung cả năm 2020, nhập khẩu tôm nước ấm đông lạnh giảm 22,5% về giá trị và 14,2% về khối lượng, chủ yếu giảm trong nửa cuối năm.

Diễn biến này do người Trung Quốc đổ lỗi cho thủy hải sản nhập khẩu gây ra rủi ro Covid-19. Chính phủ Trung Quốc cũng thông tin tình hình dịch bệnh bên ngoài khá nghiêm trọng, khiến người tiêu dùng lo sợ. Nhà chức trách nước này cũng liên tục kiểm tra Covid-19 đối với các sản phẩm đông lạnh, gây ra sự chậm trễ và khiến việc nhập khẩu gặp rủi ro.

Ngược lại, cả khối lượng và giá trị nhập khẩu mặt tôm vào Mỹ đều tăng. Thông thường, khối lượng tăng đi đôi với giá thấp hơn, nghĩa là giá trị tổng thể gần như giống nhau. Tuy nhiên, ở đây người tiêu dùng Mỹ đã tăng mức tiêu thụ, đặc biệt là các sản phẩm chế biến, có thể nấu được tại nhà, đưa tổng giá trị nhập khẩu lên cao hơn.

Doanh số bán lẻ đã có những bước nhảy vọt trong năm 2020: tôm nguyên liệu đông lạnh tăng 47%, tôm nấu chín đông lạnh tăng 25%. Chuyên gia đến từ Rabobank cho biết thêm trong một thời gian rất dài chưa thấy có tốc độ tăng trưởng như vậy trong một ngành hàng lớn, trị giá đến 2 tỷ USD.

Ông Nikolik tin rằng nhu cầu ở Mỹ sẽ tiếp tục vững chắc trong năm tới do nhu cầu dịch vụ ăn uống có thể sẽ tăng lên khi nhiều người được tiêm chủng và doanh số bán lẻ cũng sẽ không giảm.

Trung tâm Công nghiệp và Thương mại Việt Nam mới đây đưa ra dự báo, Mỹ sẽ tiếp tục là điểm sáng cho xuất khẩu thủy sản Việt Nam, trong đó có tôm. Đặc biệt, Việt Nam sẽ có cơ hội nhiều hơn trong xuất khẩu tôm sang thị trường Mỹ khi Ấn Độ - nguồn cung lớn nhất về tôm tại thị trường này đang gặp khó khăn về sản xuất do dịch bệnh Covid-19.

Nguồn: NDH


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn