Trung Quốc ngày càng khó tính và lời cảnh báo cho nông nghiệp Việt Nam

Đầu tháng 4/2021, ớt của nông dân huyện Phù Mỹ (Bình Định) rớt giá thê thảm vẫn không có người mua. Vào chính vụ thu hoạch, ớt chỉ thiên giá giảm gần một nửa, còn 16.000 đồng/kg; ớt chỉ địa từ 33.000 đồng/kg giảm xuống chỉ còn 3.500 đồng/kg, tức giảm gần 10 lần so thời điểm đầu vụ và giảm 50 lần so với trước Tết. Nguyên nhân chính được cho là do khách hàng Trung Quốc ngừng nhập khẩu.

Ông Trần Minh Tuấn - Trưởng phòng NN-PTNT huyện Phù Mỹ cho biết, phần lớn ớt thu hoạch ở đây được nông dân bán cho các đại lý trên địa bàn để xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc. Dịp này Trung Quốc không nhập khẩu ớt nữa nên giá ớt giảm mạnh. Đây là vấn đề nan giải từ nhiều năm qua nhưng địa phương vẫn chưa tìm ra cách khắc phục.

Lời cảnh báo từ thị trường Trung Quốc

Chuyện Trung Quốc ngừng mua, giá giảm mạnh không chỉ với quả ớt mà còn lặp đi lặp nhiều lần với rất nhiều loại nông sản của nước ta như: khoai lang, dưa hấu, thanh long, xoài, nhãn, mít… Và mỗi lần như vậy, rau quả Việt lại phải bán tống bán tháo với giá rẻ như rau, thậm chí còn phải kêu gọi giải cứu.



Điều đáng nói, gần đây, nhiều loại nông sản Trung Quốc ngừng nhập khẩu không phải do phía đối tác tự cung tự cấp được mà đây là chính sách siết nhập khẩu tiểu ngạch, tăng cường chính ngạch. Vấn đề này đã được phía Trung Quốc thông báo từ giữa năm 2018, nhưng nhiều hàng hóa Việt Nam không có sự chuẩn bị nên bị động.

Ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết, tháng 5/2018, phía Trung Quốc phát đi thông tin về việc siết chặt quy định nhập khẩu với trái cây Việt Nam qua cả kênh chính thức lẫn các kênh khác như chủ hàng.

Theo đó, muốn xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này, phía Trung Quốc yêu cầu sản phẩm để truy xuất nguồn gốc phải được cấp mã số vùng trồng và cấp mã số cơ sở đóng gói. Còn với xuất khẩu tiểu ngạch là nhằm để kiểm soát chất lượng, bởi ngay tại Trung Quốc cũng yêu cầu nâng cao về an toàn thực phẩm. 

Thực tế, sau khi thông báo siết chặt nhập khẩu tiểu ngạch, nâng hàng loạt các tiêu chuẩn với hàng nông sản nhập khẩu vào giữa năm 2018, đến nay Việt Nam mới mở cửa thành công cho 10 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch vào thị trường 1,4 tỷ dân này. Còn lại hầu hết các mặt hàng nông sản, trái cây tươi vẫn mua bán, trao đổi với Trung Quốc chủ yếu theo hình thức “đi chợ”, tức thương nhân bán không có hợp đồng mua bán sẵn với đối tác Trung Quốc, tự do chở hàng lên biên giới khi vào vụ. Hàng lên đến cửa khẩu không đáp ứng tiêu chuẩn bị trả về, dồn ứ.

Thậm chí ở nhiều vùng sản xuất chuyên canh, người nông dân vẫn thích làm hàng để bán tiểu ngạch thu tiền tươi vì đơn giản chứ không phức tạp liên kết sản xuất để làm hàng xuất khẩu chính ngạch. Đây cũng là một phần nguyên nhân khiến nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc không ổn định.

Dù là ngành hàng tỷ USD nhưng không đáp ứng tiêu chuẩn và cách thức mới, chủ yếu đi chợ và trao tay nên khi Trung Quốc không còn dễ dãi, buông lỏng kiểm soát chất lượng như trước, thay vào đó siết tiểu ngạch, nâng hàng loạt các tiêu chuẩn với nông sản nhập khẩu chính ngạch… thì lập tức hàng Việt gặp khó.



Áp lực để đổi thay

Thống kê năm 2020 Trung Quốc là khách hàng lớn của nông lâm thuỷ sản Việt, chiếm 25,1% thị phần (đứng sau Mỹ), giảm 5,3% so với năm 2019.

Theo Bộ NN-PTNT, Trung Quốc là thị trường tiêu thụ lớn của nông sản Việt Nam. Riêng với rau quả Việt Nam có thể khẳng định Trung Quốc là thị trường trọng yếu. Tuy nhiên, việc Trung Quốc ngày càng “khó tính” với nông sản nhập khẩu, trước mắt gây khó khăn cho nhiều hàng hóa Việt Nam nhưng đây cũng là sức ép cho sản xuất của Việt Nam, đặt ra yêu cầu phải nâng cao chất lượng và chế biến. Người trồng cần hình thành tư duy sản xuất hàng hoá tiêu chuẩn cao theo yêu cầu của thị trường. Đặc biệt, phải hướng tới hàng Việt Nam là tốt, bỏ lối tư duy bán sang Âu – Mỹ mới làm hàng cao cấp, buôn chợ sang Trung Quốc thì dễ dãi, lộn xộn.



Theo chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thuỷ, hiện đang có sự đối lập trong câu chuyện sản xuất hàng hoá nông sản. Một là với doanh nghiệp, HTX, nông dân, chủ trang trại, người sản xuất,... xem đây là cơ hội và thách thức từ đó xây dựng chuỗi liên kết giá trị của chúng ta tốt hơn thì cơ hội xâm nhập vào thị trường sâu hơn, năng lực cạnh tranh cũng tăng lên. Hai là, một số nông sản chủ lực không có cơ hội xuất khẩu thì thờ ơ và chờ đợi, đứng nhìn xem ra sao, khi tốt mới thực hiện. Chắc chắn một bộ phận nhỏ sẽ đứng ngoài lề sự phát triển của chuỗi giá trị ấy, có nghĩa là dễ thì làm và khó thì bỏ.

Sự siết chặt của thị trường Trung Quốc giúp ta tổ chức lại sản xuất. Sức ép này sẽ tác động đến tư duy nhìn nhận thị trường, kỷ cương lao động, đến đối tượng chính là nông nghiệp và nông dân. Nếu không hành động và thay đổi quyết liệt thì mật độ giải cứu nông sản sẽ nhiều hơn. Do đó, ông cho rằng, đứng trước sự thay đổi từ phía thị trường Trung Quốc, chúng ta phải xây dựng được chuỗi liên kết, khi ấy mới bước chân vào chuỗi cung ứng để thúc đẩy xuất khẩu ra thế giới chứ không chỉ với thi trường Trung Quốc.

Các chuyên gia trong ngành nông nghiệp đều thừa nhận rằng, Trung Quốc vẫn là thị trường tiềm năng, nhưng giờ đây không còn là thị trường dễ tính, hay “ăn tạp” như trước nữa, thay vào đó, họ chuyển sang xu hướng ăn ngon, ăn chất lượng. Họ đã vượt ngưỡng thu nhập 10.000 USD/người/năm nên nhìn thị trường 1,4 tỷ dân này bằng con mắt của người có thu nhập 2.436 USD bình quân của Việt Nam đã không còn phù hợp.

Thế nên, việc Trung Quốc tăng cường rào cản, siết nhập khẩu tiểu ngạch chính là lời cảnh báo cho nông sản Việt Nam xuất khẩu. Phương thức sản xuất của nông nghiệp Việt cần thay đổi theo hướng nâng cao quy trình sản xuất và chất lượng sản phẩm, thay đổi tư duy để bắt kịp thị trường, hướng tới xuất khẩu chính ngạch tiêu chuẩn cao thay cho xuất khẩu tiểu ngạch như trước đây.

Làm được điều này, sẽ không chỉ giữ được thị trường Trung Quốc mà còn thâm nhập sâu vào phân khúc hàng cao cấp của thị trường này cũng như khẳng định uy tín hàng Việt ở sân chơi thế giới. Vì thế, khi một thị trường dễ tính đã không còn chấp nhận hàng tạp nữa thì chính sự thay đổi của Trung Quốc phải được xem là cảnh báo cuối buộc ngành nông nghiệp Việt Nam.

Chúng ta đã làm hàng xuất khẩu được vào những thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… vậy tại sao không làm sản xuất được ra hàng nông sản đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu đi Trung Quốc. Và thực tế những mặt hàng tốt như: sữa TH, chuối Hoàng Anh Gia Lai, cà phê Trung Nguyên… đã thâm nhập tốt vào nội địa Trung Quốc khi làm lớn và làm tốt. Và như thế, không còn lý do để tồn tại một thực tế sản xuất manh mún, lộn xộn, chất lượng không đều để bán sang Trung Quốc… Không những thế, chúng ta phải cho các bạn hàng quốc tế thấy rằng, khi nhắc đến Việt Nam là nhắc đến nền nông nghiệp tốt, nhắc đến sản phẩm an toàn trên toàn cầu.

Tâm An


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn