Chuỗi cung ứng đường: “nút thắt” cần tháo gỡ

Mặc dù giá bán sỉ tại nhà máy đường hiện nay chỉ xung quanh mức giá 17.800 - 18.000 đồng/kg (đường tinh luyện RE) nhưng khi đến tay người tiêu dùng thì đã ở mức 25.000 – 28.000 đồng/kg, cao hơn 50 – 60% giá tại nhà máy, phải chăng chuỗi cung ứng đang có "nút thắt" (?)

Cuối vụ 2020/21 giá mía được các NMĐ điều chỉnh tăng lên thêm từ 150.000 – 250.000 đồng/tấn so với vụ 2019/20

Tín hiệu vui cho người trồng mía

Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA), chuỗi cung ứng đường tại Việt Nam hiện tại bao gồm khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu và tiêu thụ nội địa. Trong chuỗi cung này, khâu sản xuất và cung ứng mía nguyên liệu cho các nhà máy đường (NMĐ) có sự tham gia đông đảo của các nhóm cung, trong đó nhóm cung nông hộ (126.247 hộ, chiếm 71,3% lượng cung mía nguyên liệu trong vụ 2019/20) và nhóm nông trường (29 nông trường, chiếm 14,8% lượng cung mía nguyên liệu trong vụ 2019/20) là 2 nhóm cung mía nguyên liệu lớn nhất ở Việt Nam hiện nay. Lý do chính là do 2 nhóm này có tiếp cận tốt nhất đối với nguồn đất trồng mía.

Ngoài ra, gần đây, nhóm cung hợp tác xã cũng đang có xu hướng tăng lên (chiếm 4,6% lượng cung vụ 2019/20). Còn ở các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về hạ tầng giao thông, đồng ruộng, hoặc vùng cạnh tranh mua bán mía cao, vẫn còn hiện diện của 1 nhóm cung ứng mía nguyên liệu trung gian là nhóm thương lái, nhóm cung này đang có xu hướng giảm xuống (chiếm 9,4% tổng lượng cung trong vụ 2019/20 so với tỷ lệ 10,0% trong vụ 2018/19).

Các hộ nông dân có vai trò quan trọng trong khâu sản xuất và cung ứng mía nguyên liệu, nắm giữ trên 80,7% lượng cung mía nguyên liệu hiện nay, bao gồm 71,3% lượng cung trực tiếp cho các NMĐ và 9,4% lượng cung gián tiếp qua nhóm thương lái.

Những năm qua, trước sức ép của đường nhập khẩu (chính ngạch và nhập lậu), diện tích và sản lượng mía ở Việt Nam liên tục giảm mạnh. Trong niên vụ 2020/21, lũy kế đến cuối tháng 2/2021, toàn ngành đã ép được 3,75 triệu tấn mía sản xuất được 368.557 tấn đường. So sánh cùng kỳ với vụ ép mía 2019 - 2020 (vốn đã là vụ ép có sản lượng thấp kỷ lục trong 19 năm của ngành đường Việt Nam) sản lượng mía ép chỉ đạt 72,3% và sản lượng đường chỉ đạt 71,3%. VSSA ước tính sản lượng đường của vụ 2020 - 2021 chỉ còn khoảng trên dưới 550.000 tấn và hầu như chắc chắn sản lượng mía đường vụ mía 2020 - 2021 sẽ chiếm lấy vị trí thấp kỷ lục của vụ 2019 - 2020. Số liệu sản xuất này đã bộc lộ thiệt hại vô cùng nghiêm trọng mà ngành đường Việt Nam phải gánh chịu trước sự tàn phá của nguồn đường nhập khẩu, bao gồm cả đường nhập chính ngạch và nhập lậu trong nhiều năm liên tiếp, cộng với tác động của biến đổi khí hậu những năm gần đây tại các vùng sản xuất mía.

Tuy nhiên, hiện nay, cân đối cung cầu đường thế giới đang nghiêng về thiếu hụt nguồn cung. Theo dự báo mới nhất của ISO, vụ 2020/21, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 4,8 triệu tấn đường. Bên cạnh đó, việc Bộ Công thương ban hành Quyết định số 477/QĐ-BCT ngày 09/02/2021 về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Vương quốc Thái Lan, khiến cho lượng nhập khẩu đường chính ngạch từ Thái Lan chững lại.

Những điều này đã tác động tích cực đến tình hình tiêu thụ và giá bán đường trong nước, khiến cho giá mua mía trong giai đoạn cuối vụ 2020/21 được các NMĐ điều chỉnh tăng lên thêm từ 150.000 – 250.000 đồng/tấn so với vụ 2019/20, phần nào giúp nông dân và NMĐ sản xuất bắt đầu có lãi trở lại, điều đó đã khích lệ các NMĐ tăng cường đầu tư cho nông dân trồng mới, khôi phục và mở rộng diện tích vùng mía nguyên liệu.

“Nút thắt” ở khâu tiêu thụ đường

Theo VSSA, sự phát triển của ngành mía đường cho đến nay vẫn chủ yếu là dựa vào thị trường tiêu thụ trong nước. Bằng chứng là trong vụ 2019/20 có gần 86,6% tổng lượng đường được tiêu thụ trong nước, chỉ có trên 13,4% là xuất khẩu.

Tiêu thụ đường ở Việt Nam chủ yếu dự vào 3 kênh, gồm: kênh bán hàng cho các khách hàng tiêu thụ công nghiệp (B2B - chiếm 42,6%); kênh bán buôn cho siêu thị, đại lý, doanh nghiệp thương mại (chiếm tỷ lệ cao nhất là 52,0%.); kênh bán lẻ trực tiếp cho người tiêu dùng (B2C - chiếm tỷ lệ rất thấp là 5,5%).

Ngành đường Việt Nam phải gánh chịu trước sự tàn phá của nguồn đường nhập khẩu, bao gồm cả đường nhập chính ngạch và nhập lậu trong nhiều năm liên tiếp

Do kênh bán buôn cho siêu thị, đại lý, doanh nghiệp thương mại đang chiếm tỷ trọng lớn nhất, đã khiến cho giá bán lẻ đường tới tay người tiêu dùng bị đội lên cao, chênh lệch quá lớn so với giá thành sản xuất đường và giá bán tại cổng các NMĐ.

Cụ thể giá bán sỉ tại các nhà máy đối với đường tinh luyện RE tháng 2 và trung tuần tháng 3/2021 dao động từ 17.800- 18.000 đồng/kg. Với mức giá sỉ này, theo các chuyên gia thương mại, giá bán lẻ đường RE tới người tiêu dùng chỉ khoảng 21.000- 22.000 đồng/kg là hợp lý. Trong khi đó, giá bán lẻ đường RE đóng gói loại 1kg/túi tại một số cửa hàng bán lẻ và các siêu thị hiện nay bình quân từ 25.000- 28.000 đồng, cao hơn tới 50- 60% so với giá bán sỉ của các nhà máy.

Lý giải về việc này đại diện một NMĐ cho biết, DN đường hầu hết chỉ chế biến và phát triển mảng bán sỉ. Có đến 80-90% sản lượng đường từ các nhà máy được các công ty thương mại mua lại, sau đó cung ứng ra thị trường. Các NMĐ không có khả năng quyết định giá bán trên thị trường.

Tuy nhiên, hiện nay một số công ty có chức năng thương mại lại là những cổ đông khá lớn tại một số công ty đường. Một số công ty đường cũng là cổ đông lớn tại các công ty đường khác. Vấn đề đáng nói là họ có thể dùng tỷ lệ cổ phần để chi phối một số công ty đường, điều chuyển lợi ích sang hình thức khác về một công ty trung gian để thu lợi tức lớn, lấy đi lợi tức chính đáng của các cổ đông khác.

Chẳng hạn, khi có khoảng 25% cổ phần và điều hành một công ty, họ dùng khoảng 25% cổ phần ở công ty đầu mua cổ phần ở một công ty đường khác rồi nắm quyền chi phối, tiếp tục dùng khoảng 25% cổ phần ở công ty thứ 2 mua cổ phần công ty thứ 3 và nắm quyền chi phối..., cứ như vậy họ thành “mắt xích” đi từ công ty này sang công ty khác. Với danh nghĩa “Group”, “Tập đoàn” song thực chất tài sản chính là số vốn cổ phần của công ty ban đầu, nhưng họ khống chế hoạt động của cả chuỗi. Cổ đông nhỏ lẻ tại các công ty bị thiệt hại vì phải chịu giá vật tư đầu vào cao, đường đầu ra bán giá thấp (vì cung cấp theo giá trong chuỗi). Lợi tức họ điều chuyển về công ty trung gian rất lớn. Đây có thể coi là lũng đoạn thị trường, một “nút thắt” trong ngành đường. Dư luận nghi ngờ rằng, không loại trừ có sự móc ngoặc giữa một số nhà máy đường với các công ty trung gian thương mại để phân phối đường với giá cao (?).

Việc Bộ Công Thương áp thuế áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với đường Thái Lan, đang giúp cho các nhà máy đường và nông dân trồng mía có cơ hội “hồi sinh”. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, ngành đường vẫn còn những “nút thắt” phải tháo gỡ, đặc biệt là ở khâu tiêu thụ.

Chính vì vậy, để gỡ “nút thắt” này trong ngành đường, cần phải giảm lượng tiêu thụ thông qua nhiều kênh bán buôn và doanh nghiệp thương mại, qua đó có thể giảm giá bán đường là nguyên liệu đầu vào của các mặt hàng chế biến có sử dụng đường, gia tăng lợi nhuận cho nhà sản xuất công nghiệp và giảm chi phí cho người tiêu dùng đường, cũng như tăng sức cạnh tranh cho đường sản xuất trong nước so với đường nhập khẩu.

Quang Minh


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn