Giá bấp bênh, thị trường cá tra năm 2021 sẽ đi về đâu?

Theo Undercurrent News, 2020 là một năm khó khăn đối với ngành cá tra Việt Nam và dù đã bước qua năm 2021, thách thức đối với ngành này có thể chưa thực sự chấm dứt.


Năm 2019, Trung Quốc vượt Mỹ để trở thành thị trường cá tra quan trọng nhất của Việt Nam, song nhu cầu của thị trường tỷ dân năm ngoái lại rất bất ổn. Là quốc gia đầu tiên chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, Trung Quốc phải tiến hành phong tỏa trên diện rộng trong một thời gian tương đối. Ngành dịch vụ thực phẩm cũng bị ảnh hưởng theo, khiến nhu cầu cá tra của Trung Quốc đi xuống.

Giá cá tra xuất khẩu sang Trung Quốc duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm, trước khi một số tín hiệu lạc quan xuất hiện vào mùa thu. Tuy nhiên, sau đó số ca nhiễm COVID-19 mới lại tăng lên và giới chức Trung Quốc phát hiện virus SARS-CoV-2 trên các mẫu thủy sản nhập khẩu.

Điều đó buộc Bắc Kinh phải áp dụng các lệnh hạn chế cũng như quy trình kiểm tra nghiêm ngặt và tốn thời gian hơn đối với thực phẩm đông lạnh. Vụ việc cũng đánh gục niềm tin của doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc.

Thị trường cá tra đầu năm 2021 trầm lắng

Đầu năm 2021, nhiều nguồn tin của Undercurrent News nhận định thị trường cá tra Việt Nam nhìn chung đang trầm lắng, đây vốn là tình trạng thường thấy trong giai đoạn này của năm.

"Thị trường cá tra Việt Nam đang khá im ắng, không có nhiều biến động về giá", một nhà phân tích cho hay. "Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc đã tăng cường kiểm soát biên giới nên giao thương cá tra chững lại khá nhiều. Đến tháng 1 năm nay tình hình vẫn chưa cải thiện, chúng tôi chưa có dữ liệu chính thức nhưng chắc chắn số liệu sẽ tồi tệ hơn so với tháng 12 năm ngoái".

Theo nhà phân tích trên, giá cá tra thu mua dự kiến sẽ "chạm đáy" 19.700 đồng/kg. Còn giá cá tra xuất khẩu đã ổn định trong nhiều tuần qua, trung bình đạt khoảng 2,2 USD/kg (tương đương 51.000 đồng/kg) đối với thị trường Liên minh châu Âu (EU); 1,8 USD/kg (tương đương 42.000 đồng/kg) với thị trường Trung Quốc; và khoảng 2,55 - 2,6 USD/kg (tương đương 58.800 - 60.000 đồng/kg) với thị trường Mỹ.

"Giá cá tra không thay đổi kể từ cuối tháng 12, hoặc nếu có thì chỉ giảm nhẹ", Undercurrent News dẫn lời nhà phân tích trên cho hay.

Trung Quốc và châu Âu đang nhập khẩu rất ít cá tra do các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ảnh hưởng đến ngành thực phẩm. Do đó, các nhà máy chế biến và đóng gói cá tra của Việt Nam "không chịu rủi ro nào" và hầu như không mua thêm cá nguyên liệu, vị chuyên gia nói thêm.

Tết Nguyên đán diễn ra vào tháng 2 nên Trung Quốc đã nhập khẩu hàng từ trước. Điều đó cho thấy các cơ sở nuôi cá tra tại Việt Nam đang có một lượng cá sẵn sàng thu hoạch nhưng chưa xuất đi được.

"Chúng tôi được biết rằng nhiều kho hàng tại Trung Quốc hiện đã trống trơn. Câu hỏi đặt ra là khi nào Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu cá tra trở lại. Thời điểm Trung Quốc mua hàng rất quan trọng, vì họ thường mua ồ ạt trong thời gian ngắn", vị chuyên gia cho hay.

Khi Trung Quốc nhập khẩu cá tra với số lượng lớn như thế, giá cá sẽ tăng mạnh. Giá tăng khiến nông dân phấn khích đào ao thả cá, từ đó lại gây ra tình trạng dư cung trong 9 tháng còn lại của năm, nhà phân tích lý giải.

Nguồn tin thứ hai của Undercurrent News, giám đốc một trong các công ty sản xuất và chế biến cá tra lớn của Việt Nam, xác nhận rằng thị trường cá tra trong nước đang trở nên căng thẳng sau Tết Nguyên đán.

"Nông dân ngưng thả nuôi do lỗ lớn và chi phí nuôi cá tăng cao, còn doanh nghiệp trong nước tạm ngừng thu mua. Trong khi đó, hàng tồn kho của các thị trường nhập khẩu lớn như Trung Quốc lại đang ở mức thấp, giá tăng là điều khó tránh khỏi trong tương lai, nhưng tăng trong phạm vi bao nhiêu là chưa rõ", vị giám đốc trên cho hay.

Bà Nguyễn Ngô Vi Tâm, CEO Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn, cũng đồng tình với ý kiến trên. Bà Tâm cho biết Vĩnh Hoàn "không gặp áp lực hàng tồn kho cao" ở thời điểm hiện tại. "Trọng tâm của chúng tôi bây giờ là canh tác hiệu quả như năm ngoái, tạo bước đệm cho công ty trong giai đoạn biến động".

Bài toán chi phí

Văn phòng của công ty thương mại Siam Canadian tại Việt Nam cho biết thị trường đang yên ắng và trầm lắng, một số nông dân và doanh nghiệp đóng gói chưa sẵn sàng "bắt đầu vụ nuôi mới".

Siam Canadian văn phòng Việt Nam cũng lưu ý rằng giá cá giống đã tăng so với cùng kỳ năm trước; giá thức ăn cho cá tăng mạnh từ cuối năm 2020; và cước phí vận chuyển hàng hóa thì tăng "điên loạn".

"EU là một trong những thị trường chính của cá tra Việt Nam, nhưng hiện nay cá tra lại kém cạnh tranh hơn so với các loại cá khác vì giá quá cao", Siam Canadia văn phòng Việt Nam cho biết thêm.

Undercurrent News dẫn lời nhà phân tích ở đầu bài cho biết các chi phí đầu vào cao là điểm vướng mắc chính của ngành cá tra Việt Nam trong hai năm 2020 và 2021.

"Giá thức ăn cho cá tra đang tăng, chủ yếu là do giá đậu nành và do các nhà máy chế biến tăng một số chi phí cơ bản như điện nước, vật tư sản xuất. Do đó, giá cá tra không cải thiện mà chi phí lại thêm chồng chất", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Chỉ số Nasdaq về bột đậu nành cho thấy giá loại nguyên liệu này gần đây đã vượt mốc 460 USD/tấn. Nhà phân tích trên cho biết, chi phí đầu vào tăng khiến người nông dân có xu hướng thả nuôi cá cầm chừng.

"Nông dân có thể thả nuôi ba vụ tôm mỗi năm. Song, một vụ nuôi cá tra thường mất 9 tháng, nên nếu nông dân bỏ lỡ một vụ, họ sẽ không có gì làm trong cả năm. Bản chất của trò may rủi này là cố gắng kiếm tiền khi giá cá tra cao và gồng lỗ khi giá đi xuống", nhà phân tích lý giải.

"Vấn đề cần bàn luận bây giờ là doanh nghiệp ngành cá tra sẽ xử lý các chi phí ngày càng tăng này như thế nào mà không gây ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. Tôi nghĩ, về mặt kinh tế, doanh nghiệp ngành cá tra Việt Nam sẽ có một năm còn tồi tệ hơn cả năm 2020", nhà phân tích tiếp tục.

Một khách hàng ở EU và một ở Mỹ cho biết cước phí vận chuyển cũng đang là một vấn đề đau đầu với họ. Chia sẻ với Nhịp cầu Đầu tư, ông Đỗ Lập Nghiệp - Chủ tịch Navico, cho biết cước phí là một điểm nổi cộm trong các tháng cuối năm 2020, giá cước đã tăng gấp 2 - 3 lần.

"Giá cá tra tại Mỹ đang trầm ổn. Cước phí vận tải mới là vấn đề lớn mà ai cũng quan tâm", ông Don Kelly của công ty nhập khẩu thủy sản Western Edge Seafood cho hay.

"Câu hỏi lớn lúc này là người tiêu dùng Trung Quốc bao giờ mua cá tra trở lại", ông Kelly nói tiếp. "Sức mua của Trung Quốc giảm trong thời gian qua là nguyên nhân khiến giá cá tra không tăng", ông nhấn mạnh.

Khả Nhân


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn