Trong diện tích trồng dừa chung của tỉnh Trà Vinh có 1.294ha dừa hữu cơ đạt 2 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA; trong đó có 260ha đạt 06 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Úc - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP...
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.
Cuối năm 2019 và đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh Trà Vinh, mặn xâm nhập, khô hạn tái diễn như năm 2016.
Các tuyến sông chính và cống điều tiết nước trên địa bàn tỉnh Trà Vinh diễn biến bất thường và mặn ở mức cao, xâm nhập sâu vào nội đồng gây ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhất là lúa, cây ăn trái, thiệt hại cho nông dân.
Trước khó khăn đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh đã kịp thời chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) xây dựng kịch bản, khắc phục ảnh hưởng của hạn, mặn; vận động, khuyến khích nông dân chuyển đổi sản xuất... đặc biệt là chuyển sang trồng dừa hữu cơ thu lợi cao.
Các chi nhánh thu mua dừa của Công ty Cổ phần Trà Bắc tại Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh.
Thông tin từ Sở NNPTNT, năm 2020, toàn tỉnh đã chuyển đổi khoảng 2.348ha đất lúa, đất sản xuất kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và cây lâu năm khác, hoặc kết hợp nuôi thủy sản.
Trong đó, chuyển sang trồng cây hàng năm khác 880ha, hiệu quả tăng từ 1,22 - 3,5 lần; chuyển sang trồng dừa và cây ăn trái 883ha, chuyển sang kết hợp và chuyên nuôi thủy sản 586ha, hiệu quả tăng từ 2,8-7,5 lần...
Nhờ đó, tình hình sản xuất năm 2020 từng bước ổn định, các hoạt động liên kết tiêu thụ sản phẩm được duy trì, nhân rộng. Điểm nhấn về lĩnh vực này là một số doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh đã ký kết hợp đồng liên kết và tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ với nông dân, đây được xem là tín hiệu vui cho nông dân ở Trà Vinh.
Cũng theo Sở NNPTNT tỉnh Trà Vinh, diện tích vườn cây ăn trái của tỉnh hiện khoảng 42.000ha. Trong đó, cây ăn trái 18.800ha, dừa 23.200ha, diện tích cho trái 35.138ha, sản lượng 577.755 tấn/năm.
Đối với cây dừa, những năm trước đây, giá dừa khô thiếu ổn định, thời điểm cao nhất 150.000/chục (12 trái), nhưng có lúc chỉ vài chục ngàn đồng chục. Nguyên nhân chính là thị trường đầu ra thiếu ổn định.
Trước tình hình trên, sau thời gian thực hiện chủ trương cải thiện chất lượng trái, áp dụng phương pháp sản xuất theo hướng “dừa sạch”, ngày 31/12/2020, Sở NN PTNT Trà Vinh tổ chức ký kết thu mua cơm giữa Công ty Cổ phần chế biến dừa Á Châu (Bến Tre) và HTX nông nghiệp Tân Thành, xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần; Công ty Cổ phần Trà Bắc ký kết 03 hợp đồng thu mua cơm dừa với HTX nông nghiệp Rạch Lọp (xã Hùng Hòa), HTX nông nghiệp Tập Ngãi và HTX nông nghiệp Ngãi Hùng, cùng huyện Tiểu Cần.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Phú Son - Giảng viên Trường Đại học Cần Thơ, cố vấn chuỗi Dự án phát triển DN nhỏ và vừa (Dự án SME Trà Vinh), thời gian qua, Dự án SME Trà Vinh đã đồng hành cùng nông dân, nhất là nông dân trồng dừa trên địa bàn tỉnh. Dự án đã dành kinh phí để thực hiện chuỗi giá trị dừa; nhiều tiểu dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, nhằm nâng cao giá trị dừa, giảm chi phí, tăng lợi nhuận cho nhà vườn.
Trong diện tích dừa chung của tỉnh, có 1.294ha dừa hữu cơ đạt 02 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA; trong đó có 260ha đạt 06 tiêu chuẩn châu Âu - EU, Mỹ - USDA, Nhật - JAS, Úc - ACO, Thụy Điển - KRAV và GlobalGAP...
Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã làm trung gian, kết nối cũng như phối hợp với nhiều DN: Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) đánh giá chứng nhận dừa hữu cơ tại huyện Càng Long, diện tích 763ha; Công ty Cổ phẩn Chế biến dừa Á Châu đang tổ chức đánh giá chứng nhận hữu cơ diện tích 221ha của 202 hộ nông dân tại xã Tân Hòa, huyện Tiểu Cần; Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới đang triển khai xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ, diện tích 150ha tại xã Long Đức, thành phố Trà Vinh.
Ông Hồ Quang Khải - Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trà Bắc cho biết: Công ty đang xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ khoảng 300ha tại xã Phú Cần, Hùng Hòa, Ngãi Hùng, huyện Tiểu Cần. Việc làm này nâng cao chuỗi giá trị cây dừa là góp phần giúp nông dân tăng lợi nhuận, doanh nghiệp có sản phẩm tốt.
Các doanh nghiệp chấp thuận cho các HTX làm người đại diện trực tiếp quản lý vùng nguyên liệu hữu cơ, thu mua dừa trái tại các hộ nông dân được chứng nhận có dừa đạt tiêu chuẩn canh tác hữu cơ. Đồng thời, các HTX tổ chức thu mua, lột vỏ, giao dịch giá theo thỏa thuận với các doanh nghiệp, phù hợp với giá hiện hành, theo phương châm các bên cùng có lợi.
Chủ trương cải thiện giống, nâng chất lượng dừa thương phẩm nhằm hướng đến mục tiêu khắc phục những rủi ro do biến đổi khí hậu; đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Thực tế đã cho hiệu quả bước đầu, thời gian qua mặc dù mùa hạn, mặn xâm nhập, nhưng cây dừa của nông dân vẫn cho trái khắp các huyện, thị trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.
Khẳng định cây dừa luôn có khả năng chịu mặn tốt nhất so với một số cây trồng khác trên địa bàn tỉnh hiện nay. Điều này phù hợp với định hướng dừa là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, phù hợp với truyền thống thâm canh cây dừa lâu đời.
Ông Nguyễn Văn Tuân - thành viên HTX nông nghiệp Tân Thành, huyện Tiểu Cần phấn khởi: hiện nay, Trà Vinh cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm từ cây dừa: trái dừa, các phụ phẩm từ dừa như lá, xơ, yếm, hoa, sọ… là nguồn nguyên liệu chính tạo thêm việc làm cho các ngành nghề thủ công, chế biến thực phẩm, than hoạt tính xuất khẩu.
Thời gian qua, tỉnh tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp liên kết tham gia vào chuỗi giá trị dừa, nhằm giúp nông dân sản xuất và tiêu thụ ngành hàng dừa, nâng cao hiệu quả kinh tế để xứng đáng với tiềm năng lợi thế cây dừa.
Hiện nay, doanh nghiệp tham gia ký kết mua dừa hữu cơ ngay địa phương, do HTX thực hiện, trước nhất giảm chi phí vận chuyển khoảng 3.500 đồng/chục nếu bán ngoài tỉnh.
Nếu có thêm doanh nghiệp thu mua, sơ chế, chế biến tại Trà Vinh sẽ giảm chi phí rất nhiều và giá dừa trái sẽ cao hơn. Thực tế, Công ty Cổ phần Chế biến Á Châu hợp đồng liên kết tiêu thụ dừa với HTX tiêu thụ sản phẩm dừa hữu cơ, giá cao hơn 10-20% so với giá giá thị trường.
Với những kết quả đạt được, phấn đấu đến năm 2025, diện tích dừa của tỉnh Trà Vinh sẽ đạt trên 25.000ha, với sản lượng trái trên 375.000 tấn/năm. Toàn tỉnh Trà Vinh có 89.000 hộ dân trồng dừa, chiếm 40% tổng số hộ khu vực nông thôn, với khoảng 170.000 lao động tham gia sản xuất, bình quân có khoảng 2,5 công dừa/hộ vẫn cho trái, thu nhập 30-45 triệu đồng/ha là hoàn toàn khả thi./.
Trường Nguyên (Cổng TTĐT tỉnh Trà Vinh)
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.
Tags:
Tin tức