Dự báo ngành tôm tăng trưởng 15%, xuất khẩu đạt 4 - 4,4 tỷ USD

Đó là triển vọng tươi sáng được cơ quan chuyên môn dự báo tại Lễ xuất khẩu lô tôm đầu năm 2021, do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức.

Lễ xuất khẩu lô tôm đầu năm 2021, do Bộ NN-PTNT phối hợp với UBND tỉnh Hậu Giang tổ chức sáng 5/1. Ảnh: Trung Chánh.

Đơn vị được chọn là Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang (Khu công nghiệp sông Hậu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang), với lô tôm chế biến giá trị gia tăng cao, được xếp đầy trên các xe container nhận lệnh lên đường đi xuất khẩu, sáng ngày 5/1.

Một năm thành công đầy khó khăn

Bất chấp những khó khăn do dịch bệnh Covid-19 kéo dài, hoạt động xuất khẩu bị gián đoạn do đóng cửa biên giới, vận tải biển bị ngưng trệ, cùng với thiên tai hạn, mặn khốc liệt ở ĐBSCL nhưng hoạt động nuôi tôm nước lợ, chế biến, xuất khẩu của Việt Nam năm vừa qua vẫn gặt hái được nhiều thành công.

Dự báo ngành tôm tăng trưởng khá

Theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quốc Toản, hiện Việt Nam là nước xuất khẩu tôm lớn của thế giới. Năm 2021 xuất khẩu tôm có thể tăng 15% so với năm 2020, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD. Việc chúng ta tham gia các Hiệp định song phương với các nước sẽ tạo điều kiện cho xuất khẩu được thuận lợi hơn.

“Cục tiếp tục tổ chức các chuỗi sự kiện, hội chợ, đưa mặt hàng thủy sản, trong đó có tôm chế biến đi các nước giới thiệu, quảng bá nhằm tạo điều kiện mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, sẽ tổ chức sự kiện đưa hàng từ phía Nam ra Bắc tiêu thụ, nhằm kích cầu tiêu dùng nội địa”, ông Toản cho biết.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Vasep dự báo, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam năm 2021 sẽ tăng so với năm 2020 khoảng 10%, đạt khoảng 9,7 tỷ USD. Trong đó, riêng tôm chế biến tăng trưởng 15%, đạt kim ngạch xuất khẩu từ 4 - 4,4 tỷ USD.

Cụ thể, thị trường Bắc Mỹ có thể đạt 1,1 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) 700 triệu USD, Anh  khoảng 400 triệu USD, Nhật Bản 700 triệu USD, Trung Quốc hơn 600 triệu USD...

Cần có giải pháp đồng bộ

Mặc dù được dự báo với triển vọng đầy tươi sáng nhưng ngành tôm Việt Nam đang chịu khá nhiều sức ép, khó khăn, còn có giải pháp đồng bộ để vượt qua. “Vua tôm Minh Phú” - Lê Văn Quang nêu căn bệnh trầm kha đã kéo dài nhiều năm nay đó là tình trạng nhà máy luôn ‘đói nguyên liệu” chế biến. Cụ thể, hiện tôm nguyên liệu trong nước chỉ đáp ứng được từ 30-50% nhu cầu các nhà máy của Minh Phú.

“Đơn cử như nhà máy của Công ty CP Thủy sản Minh Phú Hậu Giang với thiết kế cần 10 ngàn lao động nhưng hiện chỉ có 5 ngàn công nhân, do không đủ nguyên liệu hoạt động. Trong khi vẫn phải duy trì bộ máy quản lý, vận hành làm tăng chi phí, tăng giá thành và lãng phí nguồn lực đầu tư”, ông Quang nêu thực trạng.

Do đó, cần tăng nguồn lực đầu tư cho phát triển tôm nuôi, nhất là xây dựng các khu, vùng nuôi tôm tập trung, ứng dụng công nghệ, nuôi siêu thâm canh để giảm rủi ro và gia tăng nhanh chóng sản lượng. Đồng thời, nhà nước cần tái khởi động lại chương trình bảo hiểm cho nghề nuôi tôm.

Một khó khăn nữa mà ông Quang nêu ra đó là tình trạng thiếu tàu, thiếu container để xuất khẩu tôm, giá cước phí đầu năm nay bất ngờ tăng lên tới 5 - 6 lần so với cùng kỳ năm 2020. Vì vậy, Việt Nam cần xem xét bổ sung thêm hãng tàu vận tải biển, để giám giá thành vận chuyển hàng xuất khẩu.

Đại diện Vasep cũng để xuất cần có giải pháp căn cơ để ngành tôm phát triển bền vững. Cụ thể là cần tập trung cho các giải pháp như phát triển vùng nuôi, tăng sản lượng, trong đó riêng sản lượng tôm thẻ năm 2021 cần đạt 1 triệu tấn, để giúp giảm giá thành tôm nguyên liệu. Các doanh nghiệp cần đầu tư công nghệ, chế biến chuyên sâu, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhu cầu của các nước nhập khẩu.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến chỉ đạo, bắt tay vào vụ nuôi tôm mới, các đơn vị, doanh nghiệp và người nuôi chuẩn bị tốt các điều kiện và tiến hành thả giống theo lịch mùa vụ năm 2021. Coi trọng công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát tạp chất, tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm tôm đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm. Thường xuyên đánh giá diễn biến thị trường, đề xuất các giải pháp, kịp thời thông tin, tuyên truyền để người dân biết, có kế hoạch sản xuất phù hợp.

Tăng cường liên kết giữa các đơn vị tham gia vào chuỗi sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc, tiếp tục nâng cao tỷ trọng các mặt hàng giá trị gia tăng xuất khẩu. Hoàn thiện các chương trình quản lý chất lượng, quản lý tốt chất lượng nguồn nguyên liệu. Các Hội, Hiệp hội vận động, tuyên truyền các hội viên áp dụng công nghệ mới để giảm giá thành sản xuất. Đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhân rộng các mô hình, chuỗi sản xuất hiệu quả, giữ vững và phát triển thị trường đầu ra, đấu tranh với các rào cản kỹ thuật.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến phát biểu chỉ đạo tại Lễ xuất khẩu lô hàng tôm đầu năm 2021. Ảnh: Trung Chánh.

Phát động Lễ xuất khẩu lô hàng tôm đầu tiên năm 2021, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh: “Mỗi lô hàng thủy sản xuất khẩu là một thông điệp chúng ta gửi đến bạn bè toàn thế giới, không chỉ về về chất lượng, sự an toàn khi sử dụng mà sâu sắc hơn là bản lĩnh của những con người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ, quản trị sản xuất, kết nối giao thương. Thể hiện trách nhiệm của những con người Việt Nam khi tham gia vào guồng máy sản xuất, cung cấp thực phẩm toàn cầu trước bất cứ khó khăn nào”.
Đ.T. Chánh


*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn