Với mong muốn xóa bỏ định kiến "cà phê hạng hai", nhiều nhà sản xuất đã tìm cách thay đổi phương thức canh tác và chế biến, nâng cao giá trị thương mại của hạt Robusta. Thị phần trên thế giới của Robusta - giống cà phê đặc sản Việt Nam - đang ngày càng gia tăng.
Hạt cà phê Robusta trồng trong trang trại của anh Nguyễn Văn Tới được đánh giá cao
Với mong muốn xóa bỏ định kiến coi Robusta là loại cà phê hạng hai, chỉ thích hợp chế biến làm thức uống hòa tan, ngày càng có nhiều nhà sản xuất trên khắp thế giới tung ra những sản phẩm cao cấp làm từ hạt cà phê được trồng, thu hoạch và chế biến với chất lượng hạng sang.
Anh Nguyễn Văn Tới, chủ sở hữu nông trại Tương Lai (the Future Coffee Farm), đã mạnh dạn đi đầu trong việc thúc đẩy chất lượng hạt Robusta trên toàn cầu. Cà phê từ trang trại của anh chỉ được làm từ những hạt cà phê chín nhất, được trồng trong điều kiện giám sát nghiêm ngặt, và đã nhận được đánh giá cao từ Hiệp hội Cà phê đặc sản Mỹ (the Specialty Coffee Association of America).
"Cà phê Robusta hiện có rất nhiều người hâm mộ tại Châu Âu, thị trường trước đây vốn rất khó khăn", Hiromasa Okazaki, chủ tịch hãng bán lẻ cà phê trực tuyến Namamame Honpo cho biết. "Giá bán buôn đã tăng khoảng 20% so với năm ngoái."
Robusta có thể được trồng ở độ cao thấp hơn và có khả năng chống sâu bệnh tốt hơn Arabia (loại thường được sử dụng cho sản phẩm cà phê không hòa tan). Nhờ độ tin cậy tương đối, thị phần trong sản lượng cà phê toàn cầu của Robusta đã tăng lên khoảng 40% từ 20% trong suốt 4 thập kỷ qua.
Do mùi hương đặc trưng, một số thậm chí khá nồng, cùng giá thành sản xuất rẻ, hạt Robusta thường được bán với giá thấp hơn Arabia. Vì vậy, nhiều người trồng cà phê tìm cách thâm nhập lĩnh vực đặc sản hạng sang để gia tăng thu nhập.
Masaomi Arakawa, một nhà quản lý của hãng thương mại thực phẩm Nhật Bản S.Ishimitsu, cho biết: "Ngày càng có nhiều nông dân áp dụng các phương pháp và cách thức trồng trọt đặc biệt cho loại hạt này để tạo ra hương vị và đặc tính độc đáo riêng có của Robusta."
Tại đồn điền cà phê Kaweri ở Uganda, cây cà phê Robusta được trồng ở độ cao khoảng 1.200 mét. Độ cao lớn hơn đòi hỏi nhiều sự chăm sóc hơn, nhưng biên độ nhiệt thay đổi trong ngày rộng hơn sẽ cho ra những hạt cà phê có hương thơm đậm hơn. "Bạn sẽ có được một vị ngọt nhất định, gần giống với sô cô la, ngoài vị bùi bùi đặc trưng của hạt Robusta", một chuyên viên trong ngành cho biết.
Dịch COVID-19 càng làm tăng nhu cầu tiêu thụ Robusta, bởi nhiều người sẽ ở nhà và uống cà phê hòa tan.
"Các nhà sản xuất Robusta coi đây là cơ hội để tiếp thị các sản phẩm cao cấp, khác biệt với những loại đại trà hiện có trên thị trường", nguồn tin từ một hãng kinh doanh Nhật Bản tiết lộ, thêm nữa, hạt cà phê có thể được bán trực tiếp hoặc đã qua pha trộn.
Robusta từng được người tiêu dùng Nhật Bản tán thưởng và được so sánh với hương vị của trà lúa mạch.
Trong khi đó, theo ước tính của hãng Marubeni, nguồn cung Arabia sẽ thiếu hụt trong khoảng thời gian 12 tháng cho tới tháng 9/2022. Nguyên nhân chủ yếu là do sản lượng sụt giảm ở Brazil, nơi cung ứng cà phê Arabia lớn nhất thế giới. Hơn nữa, biến đổi khí hậu và các yếu tố khác dự báo sẽ xóa sổ một nửa diện tích đất canh tác cà phê Arabica tính đến năm 2050. Do đó, Robusta được kỳ vọng sẽ giúp giữ nguồn cung cà phê ổn định.
Kazuyuki Kajiwara, trưởng bộ phận đồ uống của công ty Marubeni cho biết, không nên mua Robusta ở mức giá thấp chỉ vì sự so sánh khập khiễng với Arabica. Ông nhấn mạnh: "Quan trọng là phải mua được Robusta ở giá hợp lý để các trung tâm sản xuất có thể duy trì ổn định."
Shirley (theo Nikkei Asia)
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.