Giá thịt lợn ở Trung Quốc đang tăng mạnh trở lại, hiện gần sát mức cao kỷ lục lịch sử, trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục lan rộng ảnh hưởng tới nguồn cung thịt thế giới và lũ lụt nguy cơ làm bùng phát trở lại dịch tả lợn Châu Phi ở Trung Quốc.
Dịch tả lợn Châu Phi (ASF) đang bùng phát trở lại ở các tỉnh miền nam Trung Quốc do sau những trận mưa lớn gây lũ lụt. Điều này sẽ cản trở mục tiêu tái đàn lợn của nước này, nguy cơ tác động lây lan tới các nước láng giềng, thậm chí tới thị trường thịt lợn toàn cầu.
Đàn lợn của Trung Quốc – nước sản xuất thịt lợn lớn nhất thế giới – đến nay đã giảm 180 triệu con, tương đương 40%, sau khi dịch ASF tàn phá. Sang năm 2020, dịch bệnh có xu hướng giảm dần, một phần do đàn lợn của nước này đã ít đi và việc vệ sinh chuồng trại tốt hơn. Các nhà sản xuất thịt lợn tại đây đang xây dựng lại chuồng trại và khôi phục sản xuất để hạ nhiệt giá thịt lợn. Điều này, cộng với việc Trung Quốc gia tăng nhập khẩu thịt từ nước ngoài, đã khiến giá lợn sống tại Trung Quốc đã giảm xuống còn 38 CNY (5,44) USD/kg hồi giữa tháng 5/2020.
Tuy nhiên, mưa lớn gây lũ lụt khắp miền nam Trung Quốc kể từ giữa tháng 6 đã khiến dịch bệnh gia tăng trở lại, gây khó khăn cho nỗ lực khôi phục đàn lợn của nước này. Các trang trại lợn ở Trung Quốc nay đã được trang bị để bảo đảm an toàn vệ sinh chống lại dịch bệnh, nhưng đa số chưa được trang bị các biện pháp để chống lại những trận mưa to như hiện tại.
Nhà phân tích cấp cao thuộc công ty tư vấn Shandong Yongyi, ông Zheng Lili, cho biết, không chỉ các hộ nông dân nhỏ lẻ mà cả nhiều trang trại lớn cũng bị dịch tả lợn tấn công trở lại, vì nước mưa làm lây lan virus.
Theo thống kê của Chính phủ Trung Quốc, số lượng lợn nuôi ở tỉnh Quảng Tây trong 6 tháng đầu năm nay đã tăng 1,12% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Shandong Yongyi, số lợn nái ở các tỉnh miền nam nước này trong tháng 6 vừa qua đã giảm 3,87% so với tháng 5/2020, trong khi số lợn nái ở các tỉnh phía tây nam, bao gồm Tứ Xuyên, Vân Nam, Quý Châu và Trùng Khánh, giảm 3,04%. Theo ông Zheng Lili, "Nếu mưa lớn kéo dài trong suốt tháng 7 thì số lợn nuôi ở một số tỉnh như Tứ Xuyên, Quảng Đông, Quảng Tây và Giang Tây, có thể giảm tới 20% vào tháng 8/2020 so với tháng 5/2020".
Trong khi đó, nhà kinh tế học Wang Lisheng thuộc Nomura International cho biết, số lượng lợn giết mổ ở Trung Quốc trong tháng 5/2020 vẫn thấp hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đó là lý do khiến giá lợn hơi ở miền nam Trung Quốc đang tăng mạnh trở lại. Tại Quảng Đông, giá đã lên tới 41,6 CNY (5,95 USD)/kg vào ngày 9/7/2020, gần sát mức cao kỷ lục lịch sử 43 CNY của tháng 10/2019.
Trong khi đó, dịch bệnh Covid-19 đang lan rộng ở khắp nơi trên thế giới khiến Trung Quốc gần đây phải hạn chế nhập khẩu thịt lợn.
Trong những tháng đầu năm 2020, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu thịt để đáp ứng nhu cầu nội địa do nguồn cung trong nước giảm sút vì dịch ASF.
Tuy nhiên, nhằm giảm thiểu sự lây nhiễm virus SARS-COV-2 từ bên ngoài, kể từ giữa tháng 6/2020 tới nay, Bắc Kinh đã tạm dừng nhập khẩu thịt từ 20 nhà máy chế biến thịt lợn, bò và gia cầm của nước ngoài, sau khi các nhà máy này phát hiện có các trường hợp công nhân bị nhiễm virus corona.
"Chi phí nhập khẩu thịt giờ đắt hơn khoảng 15% so với hồi đầu tháng 6", Shi Lei, nhà quản lý của công ty nhập khẩu thịt Beijing Hopewise International Trading Co Ltd. cho biết, và thêm rằng: "Lượng thịt bò nhập về tới thị trường trong nước đã giảm 30-40% trong tháng 6/2020".
Do đó, giá thịt lợn nhập khẩu cũng đang tăng mạnh.
Sản lượng thịt lợn thế giới năm 2020 dự báo giảm 8% trong khi nhập khẩu tăng 12%
Trong báo cáo ra tháng 6/2020, Tổ chức Nông Lương Liên Hiệp quốc (FAO) cảnh báo các thị trường lương thực trên toàn cầu sẽ đối mặt với nhiều bất trắc trong những tháng tới do đại dịch Covid-19. Theo đó, FAO dự báo tổng sản lượng thịt các loại trên toàn cầu năm 2020 sẽ giảm 2%, là năm thứ 2 liên tiếp giảm. Nguyên nhân chủ yếu do sản lượng thịt lợn ít đi, nhất là ở các nước Châu Á, do dịch ASF. Covid-19 khiến cho tình hình càng thêm trầm trọng.
Trong khi đó, thương mại thịt toàn cầu chắc chắn sẽ tăng nhẹ, chủ yếu do Trung Quốc gia tăng nhập khẩu.
Sản lượng thịt lợn thế giới năm 2020 dự báo giảm khoảng 8% xuống 101 triệu tấn. Những thị trường có sản lượng thịt lợn giảm mạnh nhất dự báo sẽ là Trung Quốc (giảm 20% trong năm 2020 xuống 35 triệu tấn, sau khi đã giảm 21% trong năm 2019), Việt Nam (-15%), Philippines (-8%), và Mỹ (-1%). Nguyên nhân sản lượng giảm ở Mỹ là do Covid-19, ở những nước còn lại là do dịch ASF.
Sản lượng thịt lợn của Liên minh Châu Âu (EU), Anh, Brazil, Liên bang Nga, Mexico và Canada năm nay dự báo sẽ tăng. Sản lượng tại EU và Anh tăng chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc tăng thúc đẩy 2 thị trường này mở rộng sản xuất. Ở Brazil, chi phí sản xuất thức ăn chăn nuôi ổn định và số lợn nuôi nhiều giúp tăng sản lượng. Trong khi đó ở Liên bang Nga, sản lượng tăng nhờ đầu tư quy mô lớn ở các cơ sở chăn nuôi và chế biến mới.
FAO dự báo xuất khẩu thịt lợn thế giới năm 2020 sẽ đạt 10,6 triệu tấn, tăng 12% so với năm trước, chủ yếu do Trung Quốc tăng nhập khẩu. Ngoài ra, Việt Nam, Philippines, Chile và Ukraina tăng nhập cũng góp phần đẩy tăng xuất khẩu thịt lợn trên toàn cầu.
Nhập khẩu thịt lợn của toàn thế giới dự báo sẽ tăng 12%, trong đó của Trung Quốc dự báo sẽ tăng 42% (thêm 1,2 triệu tấn, đạt 4,1 triệu tấn và tương đương 40% tổng khối lượng thịt lợn thương mại trên toàn cầu), Việt Nam tăng 65%, Philippines tăng 26%, Chile tăng 15% và Ukraina tăng 55%. Tuy nhiên, Hàn Quốc sẽ giảm nhập khẩu vì tiêu thụ thực phẩm trong nước giảm sút.
Những nước dự báo sẽ tăng xuất khẩu thịt lợn trong năm nay là Mỹ (mặc dù sản lượng trong nước gặp khó khăn), EU (và Anh), Brazil, Canada, Mexico và Chile. Tiêu thụ ở các nước phương Tây giảm sẽ giúp bổ sung nguồn cung cho xuất khẩu trên toàn cầu. Xuất khẩu thịt lợn của Mỹ năm nay dwjbaos sẽ tăng 13%, phần lớn sang Trung Quốc, Mexico, Nhật Bản, Canada, Hàn Quốc và Australia. Ở EU và Anh, nguồn cung nội địa tăng do tiêu thụ thịt lợn trong nước giảm mà sản lượng lại tăng. FAO cho rằng điều này có thể dẫn tới xuất khẩu tăng.
Tham khảo: Reuters, FAO
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.