Lao đao ngành cá tra

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, khi các thị trường xuất khẩu (XK) cá tra chính của Việt Nam là Mỹ, EU, Trung Quốc đóng cửa do dịch Covid-19, các doanh nghiệp (DN) XK cá tra ở ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn. Giá cá tra nguyên liệu ở mức thấp kéo dài cả năm 2019 đến hết nửa đầu năm nay vẫn chỉ quanh quẩn 18.000 - 18.500 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 3.500 đồng/kg trở lên. Còn cá tra giống (loại 30 con/kg) vẫn ở mức 21.000 - 22.000 đồng/kg, trong khi giá thành sản xuất khoảng 30.000 đồng/kg.

Anh Nguyễn Văn Đạt (ở phường Thới Hòa, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) cho biết gia đình thuê hơn 1,5ha ao nuôi cá tra giống. Thông thường cá tra giống từ khi thả nuôi đến khi bán chỉ mất khoảng 3 tháng, tuy nhiên do giá thấp nên gia đình anh cho ăn cầm chừng kéo dài cả năm trời và cuối cùng cũng phải chấp nhận bán lỗ. Với sản lượng thu hoạch bán khoảng hơn 18 tấn cá, sau khi tính toán, gia đình anh lỗ khoảng 75 triệu đồng. “Cũng phải bán để thả lứa khác, tiếp tục nuôi và đợi giá lên, đến đâu hay đến đó thôi, chứ biết sao giờ”, anh Đạt nói.

Cá tra là mặt hàng sụt giảm mạnh nhất trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu (XK) nửa đầu năm 2020. Ảnh: Navicorp.

Về phía DN, theo ông Võ Đông Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Caseamex), ngành thủy sản năm 2020 chịu tác động kép khi biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn làm thiếu hụt nước ngọt khiến tình hình nuôi bị động, không duy trì được sản lượng, thời gian nuôi. Mặt khác, về giá cả, sau khi lập đỉnh năm 2018, cá tra rớt giá kéo dài suốt cả năm 2019 cho đến nay khiến DN và người nuôi đều lao đao.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, khó khăn chồng chất. Đại diện Caseamex cho biết nhiều đơn hàng XK của công ty phải dừng, lùi thời gian, không liên lạc được với đối tác bởi việc hạn chế, cấm cảng ở một số nước châu Âu hay Nam Mỹ… Hàng hóa bị ùn ứ nhiều ở cảng, ảnh hưởng đến thanh toán, ách tắc dòng vốn của DN.

Theo ông Dương Nghĩa Quốc, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, hoạt động XK sang các thị trường đều diễn ra rất chậm, giảm mạnh, dẫn đến diện tích nuôi mới, thu hoạch và sản lượng đều giảm so cùng kỳ 2019. Giá cá tra thương phẩm ở mức dưới giá thành kéo dài, người nuôi lỗ nặng, buộc phải “treo ao” hoặc cho ăn cầm chừng. Còn DN thì khó khăn về vốn, nợ xấu, lượng hàng tồn kho tăng…

Nói về nhu cầu thị trường, ông Ngô Quang Trường, Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Biển Đông, cho rằng Mỹ là thị trường “đầu tàu”, nếu cá tra vào Mỹ có giá cao thì các thị trường khác cũng sẽ tăng giá theo. Tuy nhiên, các DN XK phải nỗ lực phấn đấu bền bỉ rất nhiều năm mới mang lại sự ổn định để cá tra Việt Nam có mặt trên thị trường Mỹ. Hiện cá tra Việt Nam đã chứng minh đủ điều kiện tương đồng với sản phẩm cá da trơn của Mỹ, từ đó dẫn dắt sang các thị trường khác.

“Muốn tránh những trường hợp nước ngoài bôi xấu con cá tra Việt thì sự khẳng định thương hiệu cá tra bằng chất lượng của toàn chuỗi sản xuất mặt hàng này là điều cấp thiết cho các DN, người nuôi cá cũng như hình ảnh của con cá tra trên trường quốc tế”, ông Trường nhận định.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 tiếp tục ảnh hưởng đến XK thủy sản của Việt Nam sang các thị trường trong quý II. Tổng kim ngạch XK thủy sản 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 3,5 tỷ USD, giảm 10,5% so cùng kỳ 2019. Hầu hết các mặt hàng thủy sản XK đều sụt giảm, trong đó cá tra giảm mạnh nhất. Tổng XK cá tra 6 tháng đạt trên 659 triệu USD, giảm 31,5%.
Nguồn: Tiền Phong

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn