Dịch tả lợn châu Phi tái phát, cả nước tiêu hủy 34.000 lợn bệnh

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch tả lợn châu Phi phát sinh tại 773 xã tại 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là 34.000 con. {./}Nguy cơ dịch tái phát, lây lan diện rộng được cho là rất lớn.

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết từ đầu năm 2020 đến nay, bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) phát sinh tại 773 xã tại 217 huyện thuộc 45 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy là 34.000 con.

Trong đó, có 25 xã có ổ dịch phát sinh mới, 228 xã tái phát dịch và 520 xã có dịch xảy ra từ cuối năm 2019 và kéo dài sang năm 2020. Hiện nay, cả nước có 238 xã thuộc 60 huyện của 18 tỉnh, thành phố có dịch chưa qua 30 ngày.

Cục Thú y nhận định nguy cơ dịch bệnh tiếp tục tái phát, lây lan diện rộng là rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tổ chức nuôi tái đàn, tăng đàn lợn và bảo đảm nguồn cung thịt lợn.

Dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ tái phát, lây lan trên diện rộng ở nhiều địa phương. Ảnh: Tiền Phong.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các địa phương thực hiện nghiêm túc chỉ thị của Ban Bi thư, chỉ đạo của Thủ tướng về phòng chống dịch, tránh chủ quan, lơ là nhằm kiểm soát, ngăn chặn các ổ dịch tái phát và lây lan diện rộng.

Ông Tiến cũng đề nghị các Sở NN&PTNT thành lập ngay các đoàn công tác, phối hợp với chính quyền ở địa phương, xử lý triệt để ổ dịch, kiểm soát, ngăn chặn dịch bệnh tái phát, lây lan diện rộng ở ổ dịch chưa qua 30 ngày. Chủ động triển khai giám sát để phát hiện sớm, kịp thời xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện lợn mắc bệnh, nghi mắc bệnh DTLCP.

Thứ trưởng Tiến lưu ý, các lực lượng chức năng xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường.

Các địa phương cần báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình dịch bệnh từ cấp thôn bản đến cấp xã, huyện và tỉnh theo đúng quy định của Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Thú y.

Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng đề nghị các địa phương kiểm soát chặt việc vận chuyển lợn, đặc biệt là vận chuyển, buôn bán lợn giống để nuôi và lợn thịt đến các cơ sở giết mổ, nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan.

Đặc biệt, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý các địa phương giám sát, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển lợn, sản phẩm lợn bất hợp pháp qua biên giới, nhất là các đường mòn, lối mở, từ các nước Lào, Campuchia…nhằm ngăn chặn nguy cơ các dịch bệnh nguy hiểm như Dịch tả lợn châu Phi, Lở mồm Long móng vào Việt Nam.

Trường hợp bắt được các lô hàng lợn, sản phẩm từ lợn vận chuyển bất hợp pháp, phải tiêu hủy theo quy định.
Nguồn: NDH

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn