Nhu cầu của người dân đối với sản phẩm nông nghiệp giảm sút trong thời kì dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã khiến ngành nông nghiệp ở nhiều nước tổn thất nghiêm trọng.
Tại Đức, nhu cầu của người dân nước này đối với khoai tây và các sản phẩm khoai tây đã giảm mạnh trong thời kỳ dịch COVID-19 và điều này đồng nghĩa với việc loại củ này được chuyển đổi sử dụng làm thức ăn gia súc hoặc dùng làm phân bón sinh học.
Theo Hiệp hội ngành chế biến rau củ quả của Đức, cơ quan này ghi nhận sự sụt giảm mạnh của người tiêu dùng đối với các sản phẩm khoai tây đông lạnh, khoai tây để tủ mát và khoai tây khô.
Đức là nhà sản xuất khoai tây lớn nhất ở Liên minh châu Âu và cũng là khách hàng lớn. Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19, hàng trăm tấn khoai tây chế biến đã không được sử dụng, khiến ngành công nghiệp này tổn thất hàng triệu euro.
Theo đại diện của Hiệp hội chế biến rau củ quả của Đức, ngành chế biến khoai tây đang cần sự hỗ trợ của chính phủ nước này trong khuôn khổ chương trình phục hồi kinh tế của Đức.
Cũng do nhu cầu sụt giảm, ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và nông nghiệp của Nhật Bản đang đối mặt với nhiều khó khăn cùng với sự thiếu thốn lao động nghiêm trọng do dịch COVID-19.
Báo cáo của Chính phủ Nhật Bản công bố ngày 16/6 cho thấy ngành nông nghiệp của nước này đang chịu thiệt hại nặng nề do nhu cầu sụt giảm mạnh đối với các sản phẩm như nguyên liệu chế biến đồ ăn trưa phục vụ học sinh sau khi chính phủ nước này đóng cửa các trường học để ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan.
Giá hoa và các loại cây trồng trang trí đều giảm do nhiều sự kiện bị hủy do dịch COVID-19, trong khi các biện pháp hạn chế đi lại của Chính phủ Nhật Bản cũng đã ngăn người nước ngoài nhập cảnh, dẫn đến việc thiếu hụt lực lượng lao động.
Để hỗ trợ người làm nông, Chính phủ Nhật Bản đã tìm kiếm nguồn ra và chia sẻ chi phí vận tải với các doanh nghiệp.
Cùng với những tác động của dịch COVID-19, báo cáo cũng cảnh báo nguy cơ dịch tả lợn châu Phi xâm nhập Nhật Bản, đồng thời yêu cầu các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn.
Dịch tả lợn châu Phi có nguy cơ ảnh hưởng đến năng suất của ngành chăn nuôi gia súc của Nhật Bản trong thời gian dài và đe dọa nguồn cung ổn định các sản phẩm thịt nếu dịch bệnh này lây lan trên cả nước.
Nguồn: TTXVN
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.