42,5% diện tích 'vựa lúa' cả nước bị xâm nhập mặn

Tình trạng xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020 đã khiến 10/13 địa phương và làm 42,5% diện tích (tương đương gần 1,7 triệu ha) của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), 'vựa lúa' lớn nhất cả nước, bị ảnh hưởng.

Nông dân bên đồng ruộng khô cháy. Ảnh: Trung Chánh

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố vào hôm nay, 20-6, cho biết, ranh mặn 4 gam/lít đã khiến gần 1,7 triệu héc ta đất tự nhiên, tương đương 42,5% diện tích vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng, tăng 50.376 héc ta so với đợt hạn mặn lịch sử xảy ra vào mùa khô 2015- 2016.

Theo đó, tỉnh Long An có 118.779 héc ta bị xâm nhập mặn; Tiền Giang có 57.605 héc ta; Bến Tre 236.068 héc ta; Vĩnh Long 26.798 héc ta; Trà Vinh 117.049 héc ta; Sóc Trăng 196.876 héc ta; Hậu Giang là 12.055 héc ta; Cà Mau, Bạc Liêu và Kiên Giang lần lượt có 488.459, 187.455 và 247.445 héc ta bị ảnh hưởng.

Xâm nhập mặn cũng khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp của vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề.

Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, vụ lúa đông xuân 2019-2020 có 41.900 héc ta bị ảnh hưởng, trong đó, mất trắng (trên 70%) là 26.000 héc ta.

Đối với cây ăn quả, có 6.650 héc ta diện tích ở các địa phương, gồm Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vĩnh và Sóc Trăng bị ảnh hưởng.

Trong khi đó, xâm nhập mặn cũng khiến 8.715 héc ta diện tích nuôi thủy sản bị ảnh hưởng. Trong đó, các loại cá nuôi truyền thống là 1.234 héc ta, tôm nước lợ là 4.811 héc ta, cá da trơn 136 héc ta....

Còn về nước sinh hoạt, theo thống kê từ các địa phương ĐBSCL, vùng có 96.000 hộ (tương đương khoảng 430.000 người dân) bị ảnh hưởng về nước sinh hoạt, bao gồm 20.600 hộ thuộc vùng cấp nước từ công trình cấp nước tập trung (22%); 75.400 hộ thuộc vùng cấp nước hộ gia đình (78%).

Nguyên nhân dẫn đến xâm nhập mặn tăng cao, báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định, do nguồn nước thượng nguồn sông Mê kông bị thiếu hụt.

Theo đó, nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về ĐBSCL thấp hơn nhiều so với những năm gần đây và thấp hơn so với mùa khô năm 2015- 2016 và điều này được thể hiện chủ yếu qua 2 yếu tố chủ đạo, đó là dòng chảy tại trạm Kratie và lượng trữ tại Biển Hồ Campuchia (Tonle Sap).

Cụ thể, tại trạm Kratie (thuộc Campuchia, trạm đầu châu thổ Mê kông, cách Việt Nam gần 300 km): từ ngày 1-11-2019 đến hết tháng 4-2020, mực nước bình quân đạt 7,08 mét, thấp hơn trung bình nhiều năm 0,67 mét, thấp hơn mùa khô 2015-2016 là 0,44 mét.

Trong khi đó, lưu lượng bình quân khoảng 3.045 m3/ giây, thấp hơn trung bình nhiều năm là 1.256 m3/ giây, thấp hơn năm 2015-2016 là 678 m3/giây.

Từ ngày 26-3-2020 đến nay, mức nước bình quân gia tăng cao hơn trung bình nhiều năm 0,64 mét, tuy nhiên, vẫn nhỏ hơn 0,33 mét so với mùa khô năm 2015-2016.

“Đây là nguyên nhân chính gây ra xâm nhập mặn sớm, sâu và kéo dài trong mùa khô năm 2019-2020”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhấn mạnh.

Còn nguồn nước hồ Tonle Sap, thì vào đầu mùa khô năm 2019-2020, tổng lượng nước tích trữ của hồ (ngày 1-11-2019) là 24,58 tỉ m3, lớn hơn so với cùng thời điểm năm 2015 là 1,38 tỉ m3, thấp hơn trung bình nhiều năm là 19,16 tỉ m3.

Mực nước bình quân tại trạm Prek Kdam (gần Biển Hồ) đến ngày 30-4-2020 thấp hơn 0,18 mét so với năm 2015-2016 và thấp hơn trung bình nhiều năm 1,31 mét.

“Đây là một trong những nguyên nhân góp phần làm xâm nhập mặn năm 2019-2020 lớn hơn mặn năm 2015-2016 và trung bình nhiều năm”, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng cho biết, triều cường ở mức cao cũng là nguyên nhân khiến xâm nhập mặn xuất hiện sớm và ở mức cao.

Theo đó, ở vùng ven biển Đông, từ tháng 12-2019 đến tháng 4-2020, mực triều cường luôn ở mức cao hơn mùa khô năm 2015- 2016 và trung bình nhiều năm, trong đó, đỉnh triều ngày 29-12-2019 tại trạm Gành Hào đạt 156 cm, cao hơn 10 cm so với năm 2015.
Nguồn: Thời báo Kinh tế Sài Gòn

*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn