Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản (VASEP) cho biết, theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, sau sự tăng trưởng trong tháng 2/2020, giá trị xuất khẩu cá ngừ lại tiếp tục giảm trong tháng 3. Tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam trong quý I/2020 vẫn giảm 10,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Ảnh: Báo An Giang |
Kết quả này là do sự sụt giảm về giá trị xuất khẩu cá ngừ sang các thị trường lớn. Cụ thể, sau sự tăng trưởng trong tháng 2, xuất khẩu cá ngừ sang cả 3 thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam là Mỹ, EU và ASEAN trong tháng 3 đều đồng loạt giảm.
Tại thị trường Mỹ, sau sự phục hồi trong tháng 2 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang thị trường này đã giảm 23% trong tháng 3.
Sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 tại Mỹ khiến cho nước này phải áp lệnh đóng cửa, số lượng người được cho phép ở các địa điểm công cộng bị giới hạn, các công dân được yêu cầu hạn chế tham gia các hoạt động…điều này đã làm giảm nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại thị trường này.
Tương tự, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang EU cũng giảm hơn 27% trong tháng 3. Với số lượng các ca nhiễm và tử vong do virus corona tăng cao tại các nước EU như Tây Ban Nha, Italy và Đức, những thị trường xuất khẩu cá ngừ chính của Việt Nam, đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này ngưng trệ.
Hệ thống nhà hàng, khách sạn đã ngưng hoạt động để tránh lây lan virus corona cũng đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tại thị trường giảm.
Bên cạnh đó, lượng hàng tồn kho trên thị trường EU đang ở mức cao, thậm chí cả trước khi dịch bệnh corona bùng phát. Nguyên nhân là do giá cá ngừ trên thị trường thế giới cuối năm 2019 ở mức thấp đã làm các doanh nghiệp tích trữ nhiều hơn.
Do đó, hiện tại, mặc dù hợp đồng đã kí nhưng do thị trường không có nhu cầu, nên nhiều lô hàng xuất khẩu sang đây đã không được vận chuyển hay bị trì hoãn.
ASEAN mặc dù vẫn tiếp tục là thị trường xuất khẩu cá ngừ lớn thứ 3 của Việt Nam với giá trị đạt 9,6 triệu USD trong 3 tháng đầu năm 2020, giảm gần 15% so với cùng kỳ năm 2019.
Trong đó, Thái Lan là thị trường nhập khẩu cá ngừ đơn lẻ lớn nhất của Việt Nam trong khối cũng giảm 15% so với cùng kì.
Ngày 24/3, Chính phủ Thái Lan đã quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để đối phó với dịch COVID-19, điều này cũng khiến nhiều đơn hàng cá ngừ sang thị trường này bị tạm ngừng.
Ngoài các thị trường xuất khẩu lớn, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang các thị trường khác như Nhật Bản, Canada hay Ai Cập đang có sự tăng trưởng lạc quan so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu sang các thị trường này vẫn còn nhỏ.
"Như vậy có thể thấy, sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19 đang ảnh hưởng rõ rệt tới hoạt động thương mại cá ngừ trên thế giới. Bên cạnh đó, dịch bệnh cũng khiến cho xu hướng tiêu thụ cá ngừ trên thị trường thế giới thay đổi", VASEP nhận định.
Theo số liệu thống kê tại các thị trường, việc áp dụng các biện pháp cách ly xã hội tại các nước đã khiến cho nhu cầu tiêu thụ cá ngừ tươi sống, đông lạnh giảm mạnh.
Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ cá ngừ đóng hộp cỡ nhỏ tăng, do nhu cầu tích trữ của người tiêu dùng tăng lên.
Vô hình chung xu hướng này đang khiến cho các doanh nghiệp phải tìm cách chuyển hướng sang tăng cường sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng cá ngừ chế biến, giảm xuất khẩu các mặt hàng tươi sống, hay đông lạnh.
Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch bệnh cũng đang tác động tới nguồn cung cá ngừ nguyên liệu trên thế giới.
Cụ thể, do lo ngại về sự lây lan của dịch bệnh, nhiều quốc đảo Thái Bình Dương thực hiện lệnh đóng cửa hoàn toàn hoặc tuyên bố tình trạng khẩn cấp, ngăn chặn các tàu vào cảng và dỡ hàng tại các cảng.
Điều này cũng khiến cho nguồn cung nguyên liệu hạn chế, ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất cá ngừ.
Trong khi đó, sản lượng khai thác cá ngừ tại khu vực Trung Tây Thái Bình Dương thấp, đã khiến cho giá cá ngừ nguyên liệu tại khu vực này tăng, như tại Bangkok tăng 50% kể cuối tháng 2 trở lại đây.
Trong khi, giá tại các khu vực khác như tại Manta, Seychelles vẫn ổn định, và đang ở mức thấp hơn. Điều này vô hình chung đang khiến cho các doanh nghiệp sản xuất cá ngừ trong khu vực gặp khó khăn hơn.
Đơn hàng xuất khẩu giảm, trong khi cạnh tranh tại các thị trường gia tăng đã khiến nhiều doanh nghiệp phải giảm bớt sản lượng, thậm chí giảm bớt công nhân để duy trì. Nếu tình trạng này kéo dài doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với nguy cơ thua lỗ.
Và khi doanh nghiệp không xuất khẩu được, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ tươi sống và đông lạnh, đang kéo theo việc thu mua nguyên liệu cũng giảm bớt. Đây cũng là một nguyên nhân khiến giá cá ngừ nguyên liệu trong nước bị ảnh hưởng và nhiều tàu cá phải nằm bờ.
Nguồn: Kinh tế và Tiêu dùng
*Để có thông tin chi tiết và cập nhật nhất, xin liên hệ admin của AgroInfoServ.