Nông dân hưởng lợi khi giá cà phê tăng đột biến và các quốc gia tăng tích trữ trong dịch COVID-19

Người tiêu dùng vẫn cần caffeine dù đang trong đại dịch toàn cầu. Do đó, lo ngại về nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng dưới tác động của COVID-19 đã khiến một số quốc gia và người tiêu dùng tăng tích trữ cà phê, từ đó góp phần thúc đẩy giá mặt hàng nông sản này.

Thiếu hụt tạm thời về nguồn cung thúc đẩy giá cà phê tăng trong ngắn hạn

Theo CNBC, giá cà phê tăng là tin tốt lành cho nông dân tại các khu vực sản xuất cà phê quan trọng mà trước đó họ gặp không ít khó khăn vì giá cà phê liên tục thấp trong nhiều năm qua.

Theo Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), kể từ năm 2016 thì so với mức trung bình của thập kỉ, giá cà phê đã lao dốc đến 30%. Giá cà phê arabica tháng 3 đạt hơn 1,12 USD/pound, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với mức đỉnh 3 USD/pound ghi nhận hồi năm 2011.

"Rất nhiều trong số 25 triệu nông dân trồng cà phê trên toàn thế giới đã phải vật lộn để trang trải chi phí hoạt động vì giá hạt giống và phân bón tiếp tục tăng. Do đó, thu nhập của nông dân giảm đáng kể và sinh kế của họ đang bị đe dọa nghiêm trọng", ICO nêu ra trong báo cáo công bố hồi cuối tuần trước.

Nông dân thu hoạch hạt cà phê tại Indonesia. (Ảnh: Getty Images)

Tuy nhiên, ICO cho biết giá cà phê arabica - loại cà phê được sản xuất nhiều nhất trên thế giới, đã tăng trong tháng 3 do lo ngại về nguồn cung.

So với tháng 2, giá cà phê arabica từ Brazil - nhà sản xuất lớn nhất thế giới, đã tăng 10% trong tháng 3. Hợp đồng cà phê giao sau trên sàn giao dịch New York đã tăng 8,8% vào tháng trước, trung bình đạt khoảng 1,16 USD/pound.

Đại dịch COVID-19 đã gây ra tình trạng gián đoạn nguồn cung từ công đoạn sản xuất, vận chuyển đến bán lẻ vì lệnh phong tỏa qui mô lớn được ban bố trên khắp thế giới.

Chẳng hạn, các lô hàng từ Columbia - một nhà sản xuất cà phê lớn khác, có thể tạm thời bị gián đoạn vì lệnh phong tỏa, CNBC dẫn thông tin từ ICO.

Tổ chức đại diện cho 49 nước xuất và nhập khẩu cà phê này lí giải rằng mùa vụ thu hoạch của Columbia vào tháng 4 nhiều khả năng sẽ bị ảnh hưởng bởi các biện pháp kiểm soát dịch cũng như do lệnh hạn chế di chuyển khiến người lao động từ các nước lân cận không thể quay trở lại làm việc.

Xét trên qui mô toàn cầu, ICO nói: "Hiện tại, cầu đang vượt cung. Gián đoạn chuỗi cung ứng trong cả khâu vận chuyển và thu hoạch có thể khiến nguồn cung cạn kiệt trong một thời gian ngắn, gây áp lực giúp kéo giá cà phê lên cao trong ngắn hạn".

Mua và tích trữ cà phê trong hoảng loạn

Theo CNBC, lo ngại về vấn đề an ninh lương thực đã gia tăng trong vài tuần gần đây. Một số quốc gia đã tạm ngừng xuất khẩu một số nông sản, trong khi số khác tích trữ thực phẩm nhằm đảm bảo họ có đủ nguồn cung cho người dân trong nước.

Cà phê cũng không phải ngoại lệ.

"Có một số bằng chứng cho thấy các nước đang tăng nhập khẩu cà phê do cho rằng nguồn cung sẽ bị gián đoạn trong tương lai", ông Samuel Burman - nhà kinh tế hàng hóa tại Capital Economics cho hay.

Theo một bản tin của Reuters, các nhà nhập khẩu cà phê tại một số quốc gia tiêu thụ cà phê hàng đầu thế giới đang tích trữ và đặt hàng đủ dùng cho một tháng tới.

"Dữ liệu ghi nhận tại các nhà bán lẻ và siêu thị cho thấy việc mua và tích trữ cà phê trong hoảng loạn đã khiến nhu cầu tiêu dùng tại một số nước tăng lên", ICO nêu ra trong báo cáo hồi tuần trước.

Trên thực tế, chi tiêu cho cà phê tại Pháp trong tháng 3 đã tăng 34,6% so với cùng kì năm ngoái, trong khi tại Italy tăng 29,5%, theo viện nghiên cứu thị trường IRI (có trụ sở tại Chicago, Mỹ).

Vẫn còn rủi ro trước mắt

Trong tương lai, lợi thế của người nông dân trồng cà phê có thể chuyển biến xấu thêm lần nữa khi yếu tố có thể đe dọa nguồn cung như cuộc tấn công của đàn châu châu khổng lồ ở Đông Phi xuất hiện, ông Burman nói.

Mặt khác, nhu cầu cũng có thể giảm khi người dân tiếp tục cách li tại nhà và quán cà phê phải đóng cửa.

"Nhu cầu chỉ tăng thời gian đầu, sau đó sẽ giảm theo tỉ lệ tương ứng trong vài tuần tới cũng như trong tháng tới khi người tiêu dùng phải ở yên trong nhà tránh dịch", ICO nhấn mạnh.

Một số nông dân trồng cà phê đã chuyển sang các loại cây trồng khác để tồn tại, theo Capital Economics.

Nguồn: Kinh tế & Tiêu dùng


Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn